Về thăm khu mộ đồng chí trần phú
“…Trước Tùng Lĩnh nhơn nhơn giăng cánh phượng, bút văn phong non tháp đôi tầng
Sau la Giang cuồn cuộn uốn lưng rồng, gành ngân đới nước thu đôi ngả
…Đất vẹn thu mọi vẻ thanh kỳ
Đời dõi thấy nhiều tài phụ tá…”
(Văn thúc ước hai làng Tùng ảnh, Đông Thái)
Tôi đến viếng thăm khu mộ đồng chí Trần Phú trong một buổi trời chiều đông bảng lãng khói sương, khi những giọt nắng cuối ngày nhạt nhoà đang dần lịm tắt. Dòng sông La hiền hoà lặng lẽ mang trong mình bao hạt phù sa từ thượng nguồn của con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố vẫn âm thầm bồi đắp ven bờ “…cho quê mình gạo trắng nước trong” (Hà Tĩnh mình thương – An Thuyên). Đây là mãnh đất giang sơn tụ khí, nơi sản sinh ra rất nhiều anh hùng nghĩa liệt, nhiều danh nhân văn hoá như danh tướng Lê Bôi, học giả Bùi Dương Lịch, anh em tướng quân Đinh Lễ, Đinh Liễn, thượng thư Phan Bá Đạt, Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng, nhà văn Hoàng Ngọc Phách …đặc biệt là đồng chí Trần Phú – Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, người chiến sỹ Cộng sản lỗi lạc, người đã làm rạng danh quê hương đất nước, tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại thôn An Thổ xã An Dân huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Nguyên quán tại đây xã Tùng ảnh huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo giàu truyền thống yêu nước. Mặc dầu bố mẹ mất sớm nhưng đồng chí vẫn kiên trì theo học và đỗ đầu kỳ thi Thành chung tại Huế vào năm 1922. Từ năm 1923 – 1925 đồng chí làm giáo viên dạy tại trường tiểu học Cao Xuân Dục thành Vinh tỉnh Nghệ An, tham gia thành lập rồi lãnh đạo hội Phục Việt. Tháng 6/1926 Đồng chí được tổ chức cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị do Lãnh tụ Nguyễn ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Đến tháng 9/1926, tham gia tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Đầu năm 1927, đồng chí được Bác Hồ cử sang Liên Xô học tại trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva. Sau khi về nước, tháng 7/1930 đồng chí được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung Ương lâm thời Đảng Cộng Sản Việt Nam, chủ trì khởi thảo luận cương chính trị của Đảng. Tháng 10/1930, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung Ương lần thứ nhất đã thông qua bản Luận cương chính trị và đồng chí được bầu làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, trực tiếp chỉ đạo các phong trào cách mạng mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931), tiến hành thành lập và lãnh đạo các tổ chức quần chúng cách mạng như Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Đoàn thanh niên cộng sản Đông Dương…Tháng 4/1931, đồng chí bị địch bắt và tra tấn cực hình nhưng vẫn một mực trung thành với Đảng và cách mạng. Hy sinh ngày 6/9/1931 tại nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn), để lại cho toàn Đảng toàn dân một tấm gương ngời sáng với lời nhắn nhủ cuối cùng “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá “…Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và nhân dân đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng” (Bia tiêu sử tại khu mộ)
Gần 70 năm xa cách, sau khi tìm được hài cốt đồng chí Trần Phú tại công viên Lê Thị Riêng (Thành phố Hồ Chí Minh). Ngày 12/1/1999 Đảng và nhà nước ta đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí về an táng tại quê hương.
Phần mộ đồng chí Trần Phú được đặt trên đồi Quần Hội, dưới bóng những hàng thông, giữa một vùng non nước hữu tình, mặt hướng về bến Tam Soa. Mộ được ốp bằng đá Granít màu đen thẩm, hai bên là đôi hàng cây vạn tuế. Phía trước là một khoảng sân khá rộng lát bằng đá nguyên khối là nơi để khách hành lễ. Phía sau, trên nền bức bình phông màu nâu đỏ gắn lời căn dặn cuối cùng của đồng chí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” bằng đồng sáng lên trong ánh trời chiều. Sau bức bình phông là phần mộ hai cụ thân sinh: Thân mẫu Hoàng Thị cát (? – 1910) và thân phụ Trần Văn Phổ (1865 -1909), bên cạnh là phần mộ đồng chí Trần Ngọc Danh (1908 -1952). Khu mộ đã trở thành địa điểm du lịch văn hoá tâm linh hấp dẫn, hàng năm thu hút đông đảo khách tham quan du lịch, là nơi gặp gỡ của những con tim hướng về nguồn cội, về Đảng và truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất, kiên cường của nhân dân ta. Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng tại nhà đón tiếp còn lưu lại bút tích của rất nhiều đoàn khách đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao cống hiến to lớn của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của nhân dân ta trong những ngày đầu đầy gian khổ hy sinh.
Trên đồi Quần Hội, dưới bến Tam Soa đồng chí Trần Phú mãi mãi Trường tồn cùng đất nước, quê hương.
Lê Doãn Thắng