Tượng phật chùa Vĩnh Phúc
Chùa Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc thiền tự) Được xây dựng vào thời Hậu Lê (1428 – 1527), thế kỷ XV sau sự thiên di của mẹ con bà Hoàng hậu Bạch Ngọc cùng một số tôn thất nhà Trần đến ở vùng chân dãy núi Cốc và dãy núi Trà Sơn (vùng thượng của huyện Đức Thọ) khai hoang lập ấp với một lòng mộ phật đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của rất nhiều ngôi chùa ở trong vùng trong giai đoạn này như: Chùa Am (Diên Quang tự), chùa Tiên Lữ, chùa Ân Quang, chùa Cổ Lộng, chùa Vền (Vạn Phúc tự), chùa Phượng Tường… Nằm ở trung tâm phật giáo phía Nam Đại Việt, chùa Vĩnh Phúc cùng với hệ thống tượng thờ và các giá trị tinh thần lớn lao chứa đựng trong đó như một minh chứng cho tư tưởng từ bi, hỉ xả, bác ái, cứu khổ, cứu nạn của đạo Phật thông qua Tứ diệu đế (khổ đế, nhân đế, diệt đế và đạo đế). Sức lan toả, sự dung hoà giữa đạo và đời đến đây được tiếp tục phát triển ở 1 vùng đất mới như một sự hoằng dương của Phật pháp.
Xét một cách bao quát, Vĩnh Phúc không phải là một ngôi chùa lớn bề thế gắn liền với danh lam thắng cảnh ở một vùng non nước hữu tình. Trong mặt bằng kiến trúc tổng thể, chùa còn thiếu vắng một số đơn nguyên kiến trúc như cổng tam quan, nhà bia, cột kinh, tháp, nhà tăng.v.v Nhưng điểm nổi bật ở chùa Vĩnh Phúc chính là hệ thống tượng và tranh phật được thờ tự ở trong chùa. Lớp tượng Thường Trụ Tam Thế Diệu Pháp Thân (thường gọi là tượng Tam Thế Phật) và lớp tượng Di Đà Tam Tôn cùng một số tượng ở hai bàn thờ hai bên, ở nhà bái đường củng như các bức tranh Phật được thờ ở trong chùa. Các đức Phật này đều có tóc kết xoắn ốc, tay kết tam muội, ngồi kiết già lộ hai bàn chân. Nếu kẻ một đường tròn theo hình của Đức Phật rồi kẻ một đường trung tâm trên đỉnh xuống chúng ta dễ dàng nhận thấy trong trong từng nữa này thì phần lớn nhất là lòng đùi. Nhưng nổi lên giữa lòng đùi trái là lòng bàn chân phải và ngược lại. Trong cách thức này hình khái quát tượng Đức phật đồng nhất với vòng tròn thái cực. Có nghĩa là vòng tròn chia đôi theo một đường hình chữ S cân đối để tạo thành lưỡng nghi tức âm – dương, thì ở phần lớn nhất ở dương – tức thái dương đã xuất hiện yếu tố âm và ngược lại. Đây chính là một bức hình đồ biểu hiện về nguyên lý thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái…khởi đầu của muôn loài. Vì vậy người ta còn gọi tượng ngồi kiết già toàn phần là kiểu ngồi âm – dương. Kiểu ngồi này có khả năng tập trung được tư tưởng vào những yếu nghĩa sâu xa của đạo lý. Đồng nhất với ý nghĩa của hoa sen để nói về âm – dương, lý – trí, phàm – thánh cùng một bản thể, một cội nguồn. Đây là cách ngồi viên mãn vượt qua mọi trở ngại thường tình của cỏi tục. Cách ngồi này còn gắn với việc khai mở các trung tâm lực chính trên cơ thể con người bằng hình tượng bông cúc nở mãn khai nơi trái tim. Tới đây luân xa A na ha ta được khai mở, tu sỹ đạt được phép Tha tâm thông, không cần hành động mà vẫn hiểu được tư tưởng của chúng sinh. Luân xa này khai mở khiến kẻ hành giả phát triển trí tuệ đến mức độ cao và đạt được thánh quả: Tứ đại vô lượng tâm (đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả).
Tóc phật xoắn ốc bao kín nhục kháo và cả đầu là biểu tượng nguồn phát sáng của phật pháp. Từng lọn tóc xoắn là biểu tượng của chử Thánh, như: Đức tự (tượng trưng cho đạo đức cao hơn hết), cát tường tự (tốt lành, minh bạch, rõ ràng hơn hết) và vạn tự (ngọn lửa tam muội làm tịnh tiến thiện căn, diệt trừ dục vọng). Tất cả những vẻ đẹp thiêng liêng của các cụm tóc xoắn hội tụ lại nhằm tạo cho bộ não minh mẫn đạt được khả năng về trí tuệ cao viễn, tiến tới sự giác ngộ.
Các Đức phật ở đây có tai lớn, đỉnh tai cao trên lông mày biểu hiện về quyền uy oai lực của nhà phật, dái tai dài nói lên sự phúc hậu, đại từ, đại bi. Lông mày cong gọi là nguyệt mi tạo nên một vẽ đẹp thánh thiện, hội tụ các dòng hạnh phúc. Đầu lông mày chảy xuống sống mũi, đuôi lông mày che hết mắt biểu hiện về sự trọn vẹn không vướng mắc cuộc đời. Mắt Đức phật khép hờ nhìn xuống hội vào đỉnh mũi như để tập trung tư tưởng trí lực nhằm soi rọi nội quan, tất cả để diệt trừ ma tâm chống sự tà loạn. Mũi Đức phật đầy đặn cân phân ấm áp, sống mũi cao, lỗ mũi tròn, đỉnh mũi không hếch, không khoằm biểu hiện tư thế của người chính nhân quân tử với súc mạnh và trí tuệ từ bi cao hơn hết. Các yếu tố về tóc, tai, mắt mũi đều hướng tới một mục đích là cứu vớt chúng sinh đau khổ khỏi mọi kiếp trầm luân và được hội tụ vào miệng pho tượng. Tượng phật ở đây miệng tương đối nhỏ, phảng phất một nụ cười nhẹ (nụ cười hàm tiếu), thể hiện sự đồng cảm giữa Đức phật và chúng sinh.
Áo cà sa của tượng phật (còn gọi là tăng già lê, phúc điền y, giải thoát phục…) có màu vàng là màu đã giải thoát xa lìa cõi tục ở cuộc đời (còn các tượng có màu vàng ở mặt và chân tay biểu hiện vị phật đó đã ở cõi niết bàn ít gắn với trần gian). Áo cà sa màu nâu giúp cho kẻ hành giả chống được sự kiêu căng ngã mạn để lấy nhẫn làm đầu. áo cà sa chính là thanh y (tâm trong sáng), tỉnh y (tâm yên tỉnh), và nhẫn nhục y (chống lại mọi dục vọng của tham, sân, si, ái, ố, hỉ, nộ), nhờ đó mà mọi sự đều trong sáng tốt lành để bước vào kiếp tu, hướng tới thiện căn và tịnh tiến trong dòng chảy của đạo pháp.
Hội tụ tất cả những yếu nghĩa về đầu, mặt và trang phục như trên thì có thể nói rằng kiếp tu này đã đạt được quả niết bàn nên được ngồi trên toà sen.
Các pho tượng trong hậu cung và nhà bái đường chùa Vĩnh Phúc cùng rất nhiều tranh phật được tạo tácC, thể hiện với một trình độ nghệ thuật thẩm mỹ cao. Bên cạnh những đặc trưng của một pho tượng phật, các pho tượng này dưới đôi tay tài hoa của các nghệ nhân xưa đều toát lên cái phong thái, cốt cách thuần Việt, vừa uy nghi linh thiêng vừa gần gũi. Với màu sắc chủ đạo bằng các chất liệu dân gian truyền thống như: Màu vàng, màu xanh da trời và màu nâu đỏ. Hình ảnh các Đức phật ngồi trên toà sen (ngoại trừ một bức của Đường Tam Tạng) chùa Vĩnh Phúc được các hoạ sỹ thể hiện theo một lối vẽ phóng khoáng (lối vẽ phóng bút). ống tay áo rộng, bờ vai xuôi, tà áo dài lượn theo hình sóng, cánh hoa sen mềm mại cùng những đám tinh vân cách điệu bao quanh Đức phật là những nét đặc tả với nét vẽ mềm mại, uyển chuyển tinh tế, giàu tính nghệ thuật và xúc cảm thẩm mỹ cao.
Phần lớn các tượng phật chùa Vĩnh Phúc đều được tạc bằng gỗ mít (theo quan niệm nhà phật, mít là cây gỗ thiêng nơi hội tụ của phật, pháp và tăng). Ngoài những tư tưởng triết lý, nhân sinh quan thấm đẫm tư tưởng phật giáo thì mỗi một pho tượng, bức tranh ở đây còn là một công trình điêu khắc, mỹ thuật hoàn hảo mà các nghệ nhân nhân xưa đã gửi gắm bằng tất cả tâm hồn tình cảm và ước nguyện của mình. Trải qua bao sự biến thiên thăng trầm của lịch sử, dưới lớp bụi thời gian những tư tưởng cao cả của đạo phật vẫn sáng lấp lánh hướng tâm hồn, tình cảm con người tới những giá trị Chân – Thiện – Mỹ.
Lê Doãn Thắng (Ban quản lý di tích Trần Phú)