thông báo

video

hình ảnh

liên kết website

số lần truy cập

Thứ sáu, 29/ 3/ 2024 “Các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ…đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí đó đã vui vẻ hy sinh hết thảy

Trần Phú – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

11 - 04 - 2014

Trong Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay.

Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng[1].

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904, tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng đất “địa linh nhân kiệt", giàu truyền thống yêu nước cách mạng, đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Sinh ra khi đất nước ta còn đang đắm chìm trong vòng nô lệ của ngoại bang, thân phụ của Trần Phú làm quan tri huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), ông là một vị quan yêu nước, thương dân và rất căm ghét chế độ thực dân, phong kiến. Vì không chịu được cảnh hà hiếp của bọn quan lại, không chịu làm tay sai cho chúng đi đàn áp những người yêu nước, ông đã tự vẫn ngay tại công đường để tỏ thái độ phản đối chính quyền thực dân, phong kiến.

Trước mất mát to lớn của gia đình, 2 năm sau (1910), thân mẫu của Trần Phú cũng bị bạo bệnh và qua đời. Được họ hàng ruột thịt nuôi nấng, giúp đỡ, cho ăn học, năm 1922, tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, Trần Phú chọn nghề làm thầy dạy học ở thành phố Vinh, Nghệ An. Tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ, bất công của các tầng lớp nhân dân lao động dưới áp bức của chính quyền thực dân, phong kiến, Trần Phú sớm có tư tưởng làm cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng cho những người dân bị áp bức. Năm 1925, Hội Phục Việt2 - một tổ chức của những người yêu nước được thành lập ở Vinh, đồng chí đăng ký tham gia và trở thành một trong những người lãnh đạo của tổ chức này.

Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là vào cuối năm 1926, đồng chí được Hội Hưng Nam cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tại đây, đồng chí đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia vào lớp huấn luyện cán bộ do Người trực tiếp giảng dạy. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại khoá huấn luyện ở Quảng Châu, đã trang bị cho đồng chí Trần Phú những kiến thức cơ bản về cách mạng vô sản và lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, để từ một thanh niên có tư tưởng cách mạng yêu nước, Trần Phú đã chuyển sang lập trường cách mạng vô sản. 

Sau khi kết thúc khóa học (10/1926), đồng chí Trần Phú được cử về nước hoạt động. Mặc dù không thành công trong việc thuyết phục Ban lãnh đạo của tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng3 thực hiện kế hoạch hợp nhất với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, nhưng đồng chí đã làm cho Ban lãnh đạo Việt Nam cách mạng Đảng đồng ý đưa toàn bộ nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện, cách thức tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên,đem áp dụng vào huấn luyện cho tổ chức này.

Như vậy, có thể nói, Trần Phú là một trong những người đầu tiên có công tiếp thu và đưa lý luận Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh, truyền bá vào trong nước, đồng thời hướng hoạt động của Việt Nam cách mạng Đảng - một tổ chức yêu nước tự phát, đi theo quỹ đạo của cách mạng vô sản.  

Cuối năm 1926, đồng chí Trần Phú trở lại Quảng Châu, với sự giới thiệu của lãnh tụ Nguyễn Ái quốc, năm 1927, đồng chí được cử sang thành phố Mátxcơva (Liên Xô) học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản.

Hoàn thành khóa học tại Trường Đại học Phương Đông, đầu năm 1930, theo Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Trần Phú trở về nước hoạt động. Trong thời gian này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930).

Đầu tháng 02/1930, Trần Phú về đến Sài Gòn, mật thám Pháp nghe tin, tổ chức truy bắt ráo riết, đồng chí phải bí mật sang Hồng Công. Tại đây, đồng chí đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người thông báo về sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và tình hình cách mạng trong nước. Sau một thời gian nắm tình hình, ráp nối được với các cơ sở cách mạng trong nước, tháng 4/1930, Trần Phú trở về nước hoạt động. Được sự giới thiệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tháng 7/1930, đồng chí được cử bổ sung vào Ban Chấp uỷ lâm thời của Đảng, đồng thời được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị, chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất.

Để chuẩn bị cho việc dự thảo bản Luận cương chính trị, đồng chí Trần Phú đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu thực tiễn ở các địa phương Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, vùng mỏ Quảng Ninh... Chuyến khảo sát đã giúp đồng chí hiểu rõ thêm về tình hình công nhân, nông dân; về tổ chức và hoạt động của các cơ sở đảng, về tinh thần và thái độ cách mạng của các giai tầng trong xã hội.

Tháng 7/1930, kết thúc chuyến khảo sát, đồng chí Trần Phú được tổ chức bố trí về ở tại số nhà 90, phố Hàng Bông (nay là Phố Thợ Nhuộm), Hà Nội. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu tình hình thực tiễn, soi rọi bằng lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng chí Trần Phú đã hoàn thành bản Dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ nhất (10/1930), bản Luận cương chính trị đã được thông qua.

Ngày nay nhìn lại, có thế thấy tư tưởng ”tả khuynh” của Đại hội VI Quốc tế cộng sản (1928), đã ảnh hưởng đến đường lối của đảng cộng sản trên thế giới, nhất là những đảng vừa mới ra đời như Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự can thiệp quá sâu của Quốc tế cộng sản trong việc chỉ đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đã làm hạn chế tính chủ động, đồng thời làm nảy sinh một số vấn đề trong nội bộ các đảng cộng sản, đặc biệt là việc hoạch định đường lối, nhiệm vụ cách mạng, không sát hợp với tình hình thực tiễn ở các nước thuộc địa. Việc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất (10/1930), đưa ra nhiều Án Nghị quyết, trong đó có một số nội dung còn mang tính giáo điều, không sát hợp với tình hình cách mạng Việt Nam, chính là do ảnh hưởng từ tinh thần chỉ đạo của Quốc tế cộng sản. Cụ thể như việc Hội nghị phê phán ”những sai lầm về chính trị” của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng; hoặc vấn đề xác định lực lượng, đối tượng của cách mạng... Sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản quá nhấn mạnh tới việc phân loại đối tượng cách mạng, chú trọng quá đến vị trí và quyền lợi của cộng đồng, điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đoàn kết, tập hợp lực lượng, thành lập mặt trận dân tộc thống nhất.

Mặc dầu còn có một số vấn đề hạn chế lịch sử của bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo, so với Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (03/02/1930). Tuy nhiên có thể khẳng định, vấn đề có tính cốt lõi nhất về đường lối, mục tiêunhiệm vụ cách mạng và mối quan hệ giữa 2 nhiệm vụ cách mạng dân tộc và dân chủ, thể hiện trong hai văn kiện là thống nhất. Tư tưởng “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” trong Chánh cương, một lần nữa được khẳng định trong Luận cương chính trị. Tư tưởng đó được Luận cương nêu rõ: Sau khi hoàn thành cách mạng tư sản dân quyền: “Xứ Đông Dương sẽ nhờ vô sản giai cấp chuyên trách các nước giúp sức cho mà phát triển, bỏ qua thời kì tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”2.

Luận cương phân tích mối liên hệ mật thiết giữa cuộc đấu tranh chống phong kiến và chống đế quốc, giữa hai mục tiêu: Dân chủ thổ địa cách mạng” và dân tộc Đông Dương hoàn toàn độc lập”. Như vậy, những vấn đề cơ bản về con đường, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng... của Đảng đã được thể hiện một cách đúng đắn, xuyên suốt và nhất quán ngay từ khi  Đảng mới thành lập đến nay.

Những vấn đề cơ bản trong đường lối cách mạng của Đảng được thể hiện qua 2 văn kiện:Chánh cương và Luận cương, đồng thời cũng khẳng định tư tưởng chiến lược cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và người học trò xuất sắc Trần Phú cơ bản có sự thống nhất. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường”4

 Đánh giá về ý nghĩa và giá trị lịch sử của Luận cương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta sau này khẳng định : “Luận cương chính trị là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Những văn kiện đó đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng và tiến lên xây dựng xã hội cộng sản”5.

Trên ý nghĩa đó, có thể khẳng định, Hội nghị Trung ương thứ nhất (10/1930) đã thành công tốt đẹp, kết quả của Hội nghị đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng và cá nhân đồng chí Trần Phú. Trong hoàn cảnh khó khăn, hiểm nguy lúc bấy giờ, việc tổ chức thành công Hội nghị, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức do Trần Phú làm Tổng Bí thư, đã chứng tỏ năng lực lãnh đạo, trí tuệ mẫn tiệp của người đứng đầu Đảng ta. Đồng thời, khẳng định sự sáng suốt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong công tác lựa chọn, đào tạo, huấn luyện, sử dụng cán bộ, nhất là việc lựa chọn và sử dụng cán bộ lãnh đạo chủ chốt, mà Trần Phú là một học trò tiêu biểu.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (10/1930), Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trần Phú, đã nghiên cứu, đánh giá tình hình cách mạng, kịp thời đưa ra chủ trương, đường lối chỉ đạo phù hợp với thực tiễn. Nhờ có sự điều chỉnh kịp thời, Đảng ta đã từng bước khắc phục sai lầm của tư tưởng “tả khuynh”, cô độc, hẹp hòi, để lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển đúng hướng.

Đánh giá cao những cống hiến to lớn và sự hy sinh anh dũng của đồng chí cho Đảng, cho cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ca ngợi: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng6; “Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng7.

Đồng chí Trần Phú đã vĩnh biệt chúng ta cách đây đã 83 năm, nhưng tinh thần bất diệt của Tổng Bí thư Trần Phú với câu nói bất hủ trước lúc hy sinh: “Hãy giữ vững ý chí chiến đấu” không bao giờ nhạt phai trong trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Đồng chí Trần Phú trở thành tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, người cộng sản kiên trung bất khuất. Tổng Bí thư Trần Phú xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

____________________

 [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, NXBCTQG.H.2002. tr. 159-160

2 Hội Phục Việt thành lập ngày 14/7/1925 tại thành phố Vinh - Nghệ An. Đầu năm 1926, đổi tên  thành Hội Hưng Nam; đến tháng 7/1926, đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng; tháng 1/1930 đổi thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, một trong

3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. (T.G)

Đến tháng 7/1928, Việt Nam cách mạng Đảng đổi tên thành Tân Việt cách mạng Đảng.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.9.

Điếu văn đọc tại Lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, Báo Nhân dân, ngày 13/1/1999.

 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr 255

T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.56-57

PGS.TS. Trần Minh Trưởng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh