thông báo

video

hình ảnh

liên kết website

số lần truy cập

Thứ tư, 11/ 9/ 2024 “Các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ…đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí đó đã vui vẻ hy sinh hết thảy

TỔNG QUAN VỀ KHU DI TÍCH LƯU NIỆM VÀ KHU MỘ ĐỒNG CHÍ TRẦN PHÚ – MỘT ĐỊA CHỈ ĐỎ TRÊN QUÊ HƯƠNG CÁCH MẠNG

03 - 04 - 2023

Khu di tích lưu niệm và khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú thuộc thôn Châu Tùng, Châu Linh xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Đây là nơi lưu niệm, tri ân và an nghỉ vĩnh hằng của đồng chí Trần Phú  - Tổng Bí thư dầu tiên của Đảng ta, người đã làm rạng danh quê hương đất nước, tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Khu mộ đồng chí Trần Phú, nhìn từ trên cao

Tùng Ảnh, quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú nằm ở phía Tây – Bắc của huyện Đức Thọ. Là một xã bán sơn địa, Tùng Ảnh có diện tích đất tự nhiên là 880,37ha; dân số 7200 người; có sông núi, giao thông thuận lợi, phong cảnh hữu tình. Đây là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nổi tiếng trong cả nước về học hành khoa bảng và đậm đặc các di tích lịch sử văn hóa.

Trước cách mạng tháng 8/1945, Tùng Ảnh cùng các làng Đông Thái, Yên Hội, Yên Nội, Trinh Nguyên thuộc xã Việt Yên Hạ và xã Yên Toàn (Đồng). Trước nữa là một phần của xã Quyết Viết xưa (Quyết Viết có ba thôn: Tùng Ảnh, Nguyệt Đàm, Ngãi Lăng, về sau là các xã Việt Yên Hạ, Yên Toàn (Đồng), Yên Trung nay là xã Tùng Ảnh và thị trấn Đức Thọ

Sau cách mạng tháng 8/1945, cắt thôn Vạn Hộ sang xã Nê Lĩnh, còn lại gọi là xã Châu Phong (tên gọi theo tước hiệu của cụ Phan Đình Phùng). Năm 1950, Châu Phong chia làm hai xã Đức Sơn và Đức Phong. Ít năm sau lại đổi Đức Phong thành Châu Phong, Đức Sơn làm Tùng Ảnh. Năm 1979 lại nhập Châu Phong và Tùng Ảnh lại thành xã Tùng Ảnh như hiện nay. Hiện Tùng Ảnh có 12 thôn, bao gồm: Thôn Châu Nội, Yên Hội, Đông Thái , Châu Tùng, Châu Trinh, Châu Linh, Châu Lĩnh, Vọng Sơn, Thông Tự, Dương Tượng, Châu Tượng và Thạch Thành1.

Vào khoảng cuối thời Trần đầu thời Lê (cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI) nơi đây đã có dân cư. Dòng họ Trần củng đã đến đây lập nghiệp từ đầu thế kỷ XVI (Trần Văn Phái đến đây vào năm 1532). Một minh chứng nữa phải kể đến làng

Tùng Ảnh là nơi thờ Đinh Lễ và Làng Đông Thái thờ Đinh Liệt, hai anh em đều là những võ tướng hiển hách của Lê Lợi. Tùng Ảnh từ bao đời nay đã là đất học. nhiều dòng họ có người đỗ đạt. Theo thống kê tính từ khoa thi đầu tiên (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919) toàn tỉnh Hà Tĩnh có 148 người đậu đại khoa, riêng huyện Đức Thọ chiếm 45 vị và xã Tùng Ảnh chiếm 24 vị. Đồng thời, đây củng là vùng đất sớm đi vào tân học, Trường kiêm bị Đông Thái đã có lịch sử tồn tại trên 90 năm2

Truyền thống quê hương đã góp phần hun đúc nên tinh thần yêu nước, hiếu học, vượt khó khăn gian khổ, tình yêu thương con người của đồng chí Trần Phú. Ấn tượng quê hương được gieo vào tâm trí của đồng chí qua những câu chuyện kể của cha, lời ru của mẹ. Từ trong tâm thức của tuổi thơ, Trần Phú đã sớm nhận thấy những áp bức bất công, sự giày xéo, đô hộ của thực dân Pháp trên mãnh đất quê hương tổ quốc. Chính điều đó đã thôi thúc, dẫn dắt Trần Phú sớm đến với con đường cách mạng, tìm cách cứu nước cứu dân.

Nép mình bên bờ đê La Giang, nơi dòng sông La hiền hòa chở nặng phù sa âm thầm bồi đắp ven bờ, thấp thoáng dưới bóng những cây nhãn, cây đa, cây xà cừ cổ thụ là khu lưu niệm đồng chí Trần Phú thuộc thôn Châu Tùng xã Tùng Ảnh. Nơi đây có nhà thờ tiểu chi họ Trần, nơi thờ tự vong linh tiên tổ họ Trần và vong linh đồng chí Trần Phú. Nhà trưng bày lưu niệm khang trang với gần 300m2, lưu giữ và trưng bày rất nhiều tài liệu, hiện vật gắn liền với cuộc đời dù ngắn ngủi nhưng đầy vinh quang của đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta.

Cách khu lưu niệm hơn 1km cùng trên địa bàn xã, thuộc thôn Châu Linh là khu lăng mộ Tổng Bí thư Trần Phú và gia quyến trên đồi Quần Hội. Khu mộ mặt hướng về ngã ba Tam Soa, nơi hợp lưu giữa hai dòng Ngàn – Phố, giữa một vùng non nước hữu tình là nơi thường xuyên có đông đảo khách tham quan từ mọi miền của tổ quốc về dâng hương tưởng niệm, tri ân, bày tỏ niềm thành kính, lòng biết ơn tới những công lao đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc Việt Nam.

Khu lưu niệm đồng chí Trần Phú

Tiểu sử đồng chí Trần Phú (1904 – 1931)

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01- 05 - 1904, quê gốc ở xã Việt Yên, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông nội của Trần Phú là Trần Viết Tiến,  húy là Thân, sinh ngày 2 tháng 4 năm Ất Mùi (1835). Ông đậu hai khoa Tú tài năm Đinh Mão và Canh Ngọ, sung chức Hậu bổ tỉnh Quãng Ngãi, từng được coi là “ân xứ lão niên, giáp nội thủ chỉ” (người cao tuổi và người có uy tín đứng đầu một giáp trong làng). Thân phụ là Trần Văn Phổ (còn gọi là Thiều), húy là Hoan, sinh ngày 12 tháng 9 năm Ất Sửu (1865), đậu Tú tài khoa Nhâm Ngọ đời vua Tự Đức (1882); đậu Giải nguyên khoa Đinh Dậu đời vua Thành Thái (1897), sắc phong: Hàn lâm viện trước tác (chức quan soạn thảo các văn bản của vua). Có tên hiệu là Nhất Phong Đông A Đường Bác Trai Tiên Sinh.

Thân mẫu Trần Phú là bà Hoàng Thị Cát, con Chánh bát phẩm Hoàng Đức Triêm ở xã Châu Dương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát sinh hạ được 8 người con, Trần Phú là con thứ 7, có hai người con mất sớm là bà Trần Thị Chít và ông Trần Văn Cương. Các người con còn lại có nhiều người đỗ đạt và đều có tư tưởng yêu nước chống Pháp, tiêu biểu là: Trần Dương, anh trai Trần Phú, húy là Bình, sinh năm Mậu Tuất (1898), giữ chức Phán sự Hàn lâm thị giảng. Em trai Trần Ngọc Danh, húy là Khôi, sinh tháng 6 năm Mậu Thân, hoạt động cách mạng từ những năm 1930 – 1931, từng là Xứ ủy viên Nam Kỳ, bị Pháp kết án khổ sai chung thân, đại biểu Quốc hội khóa I (đại biểu tỉnh Cần Thơ). Năm 1946, ông tham dự hội nghị Phôngtennơblô và sau đó được cử làm Trưởng phái đoàn đại diện chính phủ Việt Nam tại Pháp đến năm 1949. Năm 1951, ông về chiến khu Việt Bắc phụ trách Nhà xuất bản sự thật (nay là Nhà xuất bản chính trị Quốc gia) và mất tại đây vào ngày 1/6 (âm lịch) năm 1952. 

Ông Trần Văn Phổ, sau khi đỗ Giải nguyên được bổ làm Giáo thụ huyện Đức Thọ. Năm 1901, triều đình Huế điều chuyển ông vào làm Giáo thụ huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên và ông đã mang theo cả gia đình vào đây. Tại đây, thôn An Thổ, xã An Dân, đồng chí Trần Phú đã cất tiếng khóc chào đời vào ngày 1/5/1904. Đến đầu năm 1907, triều đình Huế lại bổ nhiệm ông Phổ làm Tri huyện Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi. Trong thời gian này, tại Trung kỳ đang sôi nổi diễn ra các phong trào cách mạng như phong trào Duy Tân của các sỹ phu yêu nước tiêu biểu như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp…phong trào yêu nước này theo xu hướng dân chủ tư sản, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa bảng, nho sỹ yêu nước tiến bộ. Phong trào chủ trương đoàn kết đồng bào và hành động theo phương hướng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Phong trào này đã lôi cuốn sự tham gia của đông đảo của nhân dân lao động và tác động mạnh mẽ đến giới trí thức, quan lại cấp thấp. Bên cạnh đó, từ năm 1906 phong trào chống sưu cao thuế nặng đã diễn ra mạnh mẽ, khởi đầu từ Quảng Nam rồi lan nhanh vào các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Từng đoàn người ăn mặc rách rưới lũ lượt kéo nhau về bao vây huyện lỵ, tòa sứ, nhà đoan, đòi giảm sưu cao, thuế nặng. trước tình hình đó thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp, xả súng vào đoàn biểu tình làm cho nhiều người chết và bị thương, nhiều lãnh đạo phong trào bị bắt đưa lên máy chém hoặc bị đày ra Côn Đảo. Khi Tri huyện Trần Văn Phổ nhận được lệnh của Khâm sứ Trung Kỳ và Nam Triều phải ra tay đàn áp những người xin xâu, kháng thuế. Là một nhà nho có nhân cách, một người yêu nước, thương dân nhưng lại làm quan trong bối cảnh nước mất nhà tan, ông  Phổ cảm thấy bất lực, bế tắc không lối thoát nên ông đã tìm đến cái chết, tuẫn tiết tại huyện đường vào đêm 19 tháng 4 (âm lịch) năm 1909.

Sau khi cụ Phổ mất, gia đình đồng chí Trần Phú lâm vào cảnh khốn cùng, thực dân Pháp và Nam Triều đã đuổi cả gia đình ra khỏi huyện đường. Bà Cát mang theo 6 người con bồng bế, dắt díu nhau đi về phía Tây thành Quãng Ngãi mở một ngôi hàng nước nhỏ để kiếm sống qua ngày.  Vì cuộc sống quá vất vả và buồn phiền, vào một đêm mùa đông  năm 1910 bà Cát đã qua đời. Mấy anh chị em bơ vơ lưu lạc hết ở với chú Hoe Bảy rồi lại ra ở với họ hàng ở Quãng Trị, Thừa Thiên. Tại đây, nhờ được sự giúp đỡ của bà con, đồng chí Trần Phú đã được đi học và đậu bằng tiểu học tại trường Pháp – Việt Đông Ba.

Mùa thu 1918, đồng chí Trần Phú bước chân vào trường Quốc học Huế. Tại đây nơi chốn kinh kỳ, hàng ngày được chứng kiến đầy rẫy những sự bất công trong xã hội, sự áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến đối với quần chúng lao khổ. Trong thời gian này, ảnh hưởng của các phong trào chống sưu cao thuế nặng ở Trung Kỳ, phong trào Duy Tân, cuộc khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân năm 1916…cùng với những biến động của xã hội, lại được kết giao cùng những người cùng chí hướng và sớm bộc lộ tinh thần yêu nước như Hà Huy Tập, Trần Đình Thanh (tức Trần Mộng Bạch) đã tác động nhiều đến tư tưởng, tinh thần yêu nước của đồng chí Trần Phú. Đồng chí đã tham gia vào Hội thanh niên tu tấn, mà tôn chỉ của Hội bên cạnh việc giúp nhau học tập còn là nơi trao đổi về tình hình đất nước, những trào lưu cách mạng và xã hội thời bấy giờ.

Tháng 9/1922, sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung, đồng chí Trần Phú được bổ làm giáo học, dạy lớp nhất Trường tiểu học Cao Xuân Dục thành Vinh. Thành Vinh lúc này là một trong những lò lửa cách mạng, có truyền thống yêu nước và cũng là nơi có phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân khá sớm. Tại đây có dịp gần gũi với người dân lao động, trí thức yêu nước, đồng chí Trần Phú đã cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Trần Đình Thanh, Phan Kiêm Huy, Ngô Đức Diễn, Trần Tăng Lập lập nhóm đọc sách, báo bí mật được Nguyễn Ái Quốc và các cộng sự của Người chuyển từ Pháp về, đồng chí và các bạn đã sớm nhận thấy đó chính là nguồn ánh sáng mới. Nhóm đọc sách còn tổ chức lớp dạy chữ quốc ngữ cho công nhân, nhân dân lao động, đứng ra tổ chức lễ truy điệu những người yêu nước và các hoạt động đấu tranh khác. Phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân đã lôi cuốn đồng chí. Phong trào ngày càng cao lên đã dẫn đến một sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng ở Vinh. Mùa hè năm 1925, tại núi Con Mèo - Bến Thuỷ đồng chí Trần Phú và một số  nhà cách mạng Trung Kỳ đã họp và tuyên bố thành lập hội Phục Việt (là một tổ chức giao thời của một số người thuộc hai nhóm: Chính trị phạm củ và giáo viên, sinh viên tiến bộ). Tôn chỉ hoạt động của Hội ban đầu chỉ giản đơn là: “Nghiên cứu tình hình chính trị trong nước để quyết định nên bạo động hay hòa bình; tìm cách liên lạc với các nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở Trung Quốc và Xiêm xem chủ trương của họ thế nào; tuyển mộ thêm đồng chí mới)3. Từ năm 1926, đồng chí Trần Phú trở thành một trong những người lãnh đạo hội Phục Việt.

           Hoạt động của Phục Việt là dạy chữ quốc ngữ cho công nhân và nhân dân lao động ở Vinh, hội còn dấy lên tinh thần yêu nước của nhân dân địa phương. Vào khoảng tháng 9/1925, đồng chí nhận nhiệm vụ của hội Phục Việt (lúc này đổi tên thành Hội Hưng Nam) sang Lào vận động cách mạng ở PạcHinBun. Tại đây, đồng chí đã có dịp đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống cơ cực của những người công nhân mỏ và nhân dân Lào. Chuyến đi này đã giúp đồng chí có thêm những hiểu biết về tình hình thực tế ở Lào, để sau này giúp Đảng đề ra những đường lối thích hợp cho cách mạng toàn Đông Dương.

Tháng 6/1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế Cộng sản lần thứ V, sau đó Người giữ trọng trách Uỷ viên Đông Phương bộ phụ trách cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản (quốc tế III), rồi về hoạt động ở Trung Quốc. Trong thời gian ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Liên Hiệp Các Dân Tộc Bị Áp Bức Á Châu và đến tháng 6/1925 xây dựng tổ chức Tâm Tâm Xã thành Đảng Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội ở Quảng Châu. Được tin ấy, ban lãnh đạo Hội Phục Việt sau khi đổi tên thành hội Hưng Nam, Việt Nam Cách Mạng Đảng liền cử một đoàn đại biểu do đồng chí Trần Phú phụ trách sang Quảng Châu tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để đề nghị hợp nhất các tổ chức cách mạng Đảng ở trong và ngoài nước. Giữa năm 1926, đồng chí Trần Phú và một số hội viên của Hội Phục Việt đã đến Quảng Châu4 . Tại đây, đồng chí Trần Phú và các bạn được tham dự lớp huấn luyện chính trị (khóa 2) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bí danh Lý Thụy) tổ chức. Lúc này đồng chí Trần Phú mang bí danh là Lý Quý. Giảng viên của lớp bên cạnh Nguyễn Ái Quốc còn có các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Bôrôđin. Nội dung chính của chương trình là những  kiến thức cơ bản về chủ nghĩa  Mác – Lê  Nin, cách mạng tháng 10 Nga,

Quốc tế cộng sản, về con đường cách mạng Việt Nam…đã giúp cho đồng chí Trần Phú và các bạn hiểu thêm về tình hình thế giới, trong nước, các con đường, phương pháp đấu tranh, nâng cao nhận thức cách mạng5

          Tháng 10 năm 1926, sau khi kết thúc khóa học, đồng chí Trần Phú được gia nhập vào Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên và được kết nạp vào Cộng sản đoàn, hạt nhân của Đảng cộng sản trong tương lai. Đồng thời được Tổng bộ phân công về hoạt động tại Trung Kỳ để xây dựng và phát triển cơ sở Hội cùng với Nguyễn Ngọc Ba.

          Cuối năm 1926, đồng chí Trần Phú về đến Vinh. Tại đây, đồng chí đã tích cực tuyên truyền những quan điểm, đường lối của Nguyễn Ái Quốc và Hội Thanh Niên, ra sức vận động cho việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh niên. Trước sự truy lùng, bắt bớ gắt gao của địch, hội Hưng Nam đã quyết định cử đồng chí Trần Phú một lần nữa trở lại Quảng Châu. Tại đây, đồng chí đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Mátxcơva theo học tại trường Đại học của những người Cộng sản Phương Đông mang tên đồng chí Xíttalin của Quốc tế Cộng sản (Đại học Phương Đông). Lúc này, đồng chí lấy bí danh là Likyvây. Bấy giờ tình hình Liên Xô và phong trào Cộng sản quốc tế đang có những biến chuyển mạnh mẽ. Chủ nghĩa tư bản đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế sau chiến tranh, khoa học kỷ thuật và công nghiệp sản xuất phát triển mạnh, sự phát triển của giai cấp công nhân và phong trào đấu tranh đòi giải phóng dân tộc lan rộng trên khắp thế giới. Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô được củng cố và phát triển toàn diện, trở thành ngọn cờ đầu của phong trào cách mạng thế giới. Trong thời gian này, Đại hội lần thứ VI của Quốc tế cộng sản diễn ra từ ngày 17/7 – 1/9/1928 tại Liên Xô đã thông qua nhiều Nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng: Ban hành tuyên ngôn của Đại hội; Luận cương về tình hình quốc tế và nhiệm vụ của Quốc tế cộng sản; Nghị quyết của Ban chấp hành; Nghị quyết của Quốc tế Thanh niên cộng sản; Cương lĩnh và Điều lệ của Quốc tế cộng sản…đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức cách

mạng của đồng chí Trần Phú.  Đầu năm 1930, sau khi tốt nghiệp đồng chí Trần Phú bí mật từ Matxcơva qua Đức, Bỉ, Pháp và về tới Sài Gòn vào ngày 8/2/1930, mang theo kiến thức của một nhà lý luận có tài. Lúc này ở trong nước, toà án Nam Triều đã xử vắng mặt đồng chí cùng một lần với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí khác trong phiên toà ngày 10/10/1929 tại Nghệ An. Tiếp đó trong Công điện ngày 11/10/1929 của Công sứ Vinh gửi cho khâm sứ Trung Kỳ ở Huế (Điện ưu tiên tuyệt đối, số 1241-cs) báo cáo: Trần Văn Phú bị án tử hình vắng mặt cùng với Lê Duy Điếm, Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Ái Quốc.

Sài Gòn ít ngày đồng chí sang Hồng Kông và tại đây một lần nữa, đồng chí được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Được Người thông báo về quá trình tổ chức và kết quả của Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản, sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam cùng với các văn kiện: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt. Tháng 4/1930, đồng chí Trần Phú (lúc này lấy bí danh là Năm) rời Hồng Kông về Hải Phòng rồi đáp xe lửa lên Hà Nội. Tới Hà Nội, đồng chí đề nghị với Đảng cho đi khảo sát tình hình thực tế ở một số địa phương. Đồng chí xuống Nam Định làm việc với chi bộ nhà máy sợi Nam Định sau đó sang Thái Bình, Hải Phòng và khu mỏ Hòn Gai. Đây là những địa phương có lực lượng công nhân lớn mà đồng chí Trần Phú muốn thâm nhập thực tế để tìm hiểu về tình cảnh của người dân, nhất là lực lượng công nhân, về tinh thần giác ngộ cách mạng, tìm hiểu về tổ chức và hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng. Đến đâu, đồng chí Trần Phú củng đóng góp những ý kiến rất cụ thể, trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo tổ chức về cách thức tổ chức quần chúng, mục tiêu, phương pháp đấu tranh, nhất là công tác tổ chức xây dựng lực lượng mà tổ chức cơ sở đảng là nòng cốt. Đầu tháng 7/1930 đồng chí từ Hòn Gai về tới Hà Nội, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời, đồng thời được phân công dự thảo “Luận cương chính trị” của Đảng. Đồng chí đã bí mật trú ngụ tại số nhà 4 phố Hàng Rươi, sau chuyển đến tầng hầm nhà số 90 Hàng Bông Nhuộm (nguyên là nhà Đuy Ô, công chức cao cấp người Pháp làm thanh tra tài chính thuộc phủ Toàn quyền Đông Dương). Tại đây đồng chí Trần Phú đã khởi thảo bản “Luận cương chính trị” nổi tiếng của Đảng. Luận cương đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp ở Hương Cảng - Trung Quốc tháng 10/1930. Tham dự Hội nghị gồm có các đồng chí: Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Lê Mao (tức Cát), Nguyễn Trọng Nhạ (tức Sáu), Ngô Đức Trì (tức Vân). Luận cương là sự bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh “Chính cương vắn tắt” và “Sách lược vắn tắt” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thông qua trong hội nghị thành lập Đảng tháng 2/1930. Hội nghị đã nhất trí đổi tên Đảng thành Đảng Cộng Sản Đông Dương và đồng chí Trần Phú chính thức được bầu làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương tháng 10/1930 còn thảo luận và ban hành nhiều Án nghị quyết như: Nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng; về Điều lệ Đảng; Điều lệ của các tổ chức quần chúng như Công hội, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, Hội đồng minh phản đế, Hội cứu tế đỏ…  Những đường lối cơ bản của Luận cương cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Thực tiễn đấu tranh cách mạng hơn 90 năm qua, ngày càng chứng minh rõ ràng hơn công lao sáng tạo vĩ đại của đồng chí Trần Phú đã cống hiến cho cách mạng Việt Nam.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, đồng chí Trần Phú và Ban chấp hành Trung ương đã quyết định đặt các cơ quan Trung ương của Đảng tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Cuối tháng 11, đồng chí rời Hương Cảng về tới Sài Gòn. Lúc này Sài Gòn đang bị địch khủng bố trắng, nhiều cơ sở đảng bị lộ, nhiều chiến sỹ cộng sản bị địch bắt và hy sinh. Tại đây đồng chí Trần Phú đã góp phần quan trọng trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng những tháng cuối năm 1930, đầu năm 1931. Đồng chí Trần Phú và Ban chấp hành Trung ương đã bám sát tình hình của phong trào, để ra các chủ trương, đường lối phù hợp với thực tiễn cách mạng; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng các cấp từ Trung ương tới các xứ ủy, tỉnh ủy, huyện ủy và chi bộ cơ sở; xuất bản báo Cờ vô sản, Tạp chí cộng sản và các bản báo chí của các xứ ủy…Nhờ đó, trong điều kiện bị kẻ thù khủng bố, đàn áp gắt gao trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nhưng các xứ ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ đã được thành lập và từng bước lớn mạnh. Số đảng viên là công nhân tại các cơ sở công nghiệp, đồn điền, mỏ khai thác và ở các địa phương tăng lên đáng kể. Nếu như khi mới thành lập, toàn Đảng chỉ có khoảng 30 chi bộ với hơn 200 đảng viên thì đến tháng 3/1931, số đảng viên đã lên tới 2400 đồng chí hoạt động trong 250 chi bộ, tổ chức cơ sở Đảng.

Trước những biến động của tình hình thế giới, cách mạng Đông Dương, cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này trở nên tạm lắng bởi sự khủng bố, bắt bớ ngày càng quyết liệt, gắt gao của thực dân Pháp. Cuối tháng 3 năm 1931, tại số nhà 236, một cơ sở Đảng trên đường Risô (Richaud, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh). Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương đã được khai mạc dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tức Thịnh), Nguyễn Trọng Nhã (tức Nhật, Nghĩa), Trần Văn Lan (tức Giáp), Lê Mao (tức Cát)… và một số đồng chí lãnh đạo trong xứ ủy Nam Kỳ. Hội nghị đã nghiêm túc rút ra những kinh nghiệm trong đấu tranh (kể cả những sai lầm nóng vội trong công tác vận động quần chúng), đồng thời đề ra nhiệm vụ cần kíp phải thực hiện về công tác tổ chức của Đảng và công tác lãnh đạo quần chúng. Ban hành các Nghị quyết về Nhiệm vụ hiện tại của Đảng, Nghị quyết về Vấn đề tổ chức Nghị quyết về Vấn đề cổ động tuyên truyền.

Từ Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (10/1930) đến Hội nghị Trung ương lần thứ hai (3/1931), đồng chí Trần Phú và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng tổ chức Đảng, các tổ chức, đoàn thể cách mạng quần chúng; giữ vững đường lối chính trị đúng đắn, không ngừng quan tâm bồi dưỡng quan điểm vô sản. Đảm bảo Đảng vững mạnh về tổ chức, đoàn thể, lãnh đạo cách mạng vượt qua thời kỳ đầy khó khăn thử thách. 

Vào sáng ngày 18/4/1931 do sự khủng bố ráo riết của địch, đồng chí Trần Phú đã bị bắt tại số nhà 66 đường Sămpanhơ (đây là cơ quan ấn loát của Đảng). Thực dân Pháp đã giam giữ đồng chí ở bót Pôlô rồi bót Catina. Sau những lần hỏi cung không mang lại kết quả, chúng đã đưa đồng chí về Khám Lớn để chờ ngày xét xử. Sống ở nơi tù ngục đoạ đày, sức khoẻ của đồng chí ngày càng sa sút, bệnh tràng nhạc tái phát và bệnh viêm phổi ngày một thêm trầm trọng. Tới tháng 8/1931, thì sức khoẻ của đồng chí bị yếu hẳn, cai ngục đành phải đưa đồng chí vào nhà thương Chợ Quán (nay là Trung tâm bệnh nhiệt đới - số 190 Bến Hàm Tử, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh) để chữa trị. Sáng ngày 6/9/1931 đồng chí Trần Phú đã vĩnh biệt đồng bào đồng chí thân yêu trên tay những người đồng đội để lại cho toàn Đảng, toàn dân một tấm gương ngời sáng với lời trăng trối cuối cùng “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”6 . Khẳng định công lao và tấm gương hy sinh vì Đảng, vì dân của đồng chí Trần Phú và các bậc tiên liệt cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”7.

Gần 70 năm xa cách, ngày 12/1/1999 thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, nguyện vọng của thân nhân gia đình đồng chí. Sau khi tìm được hài cốt Tổng Bí thư Trần Phú. Tại dinh Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí từ thành phố Hồ Chí Minh về an táng tại quê hương Tùng Ảnh. Trên đồi Quần Hội trước bến Tam Soa, đồng chí Trần Phú mãi mãi trường tồn cùng đất nước quê hương.

Sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tinh thần hy sinh bất khuất, phẩm chất cách mạng cao quý, khát vọng cao cả và niềm tin không gì lay chuyển nổi của đồng chí Trần Phú vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, sẻ mãi mãi cổ vũ các thế hệ mai sau trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.  

          Đồng chí Trần Phú và bản Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930

          Tại Hương Cảng (Trung Quốc), từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương. Hội nghị do đồng chí Trần Phú chủ trì. Hội nghị đã thảo luận và thông qua bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo. Đây là một văn kiện lịch sử quan trọng, khẳng định năng lực, trình độ và địa vị lãnh đạo của Đảng ta trong cách mạng Việt Nam. Thể hiện được nhận thức sắc sảo, tầm vóc trí tuệ và cống hiến xuất sắc của đồng chí Trần Phú trong kho tàng lý luận của Đảng. Nhìn lại những dấu mốc trong quá trình hình thành và phát triển đường lối cách mạng của Đảng, năm 1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá bản luận cương chính trị tháng 10/1930: “Thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lê nin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản cương lĩnh

cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp của mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta – Đảng của giai cấp công nhân – không ngừng được củng cố và tăng cường8. Nhận định này là là sự nhìn nhận, đánh giá một cách tổng quát bản Luận cương chính trị tháng 10/1930 do đồng chí Trần Phú dự thảo.

          Luận cương chính trị đã dựa vào “Đề cương về cách mạng thuộc địa” của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản về nhiệm vụ của những người Cộng sản ở Đông Dương; kế thừa và phát triển tư tưởng, đường lối cách mạng đã nêu ra trong cuốn Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc.

          Luận cương chính trị đã vận dụng quan điểm duy vật lịch sử của học thuyết Mácxít, trình bày về tình hình thế giới, trong nước và việc lựa chọn, xây dựng đường lối chiến lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.

          Về tình hình thế giới, đồng chí Trần Phú đã nhìn nhận, đánh giá thế giới tư bản một cách tổng thể trong tiến trình lịch sử; nêu bật được những mâu thuẩn giữa chủ nghĩa tư bản và chế độ Xô Viết; giữa các nước đế quốc với nhau; giữa các dân tộc thuộc địa và chủ nghĩa đế quốc. Sự chín muồi của các mâu thuẩn thời đại làm cho “cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa đã lên đến trình độ rất cao, có nơi đã sắp sữa cướp chính quyền”9 . Đặc biệt, sự thắng lợi của Cách mạng tháng mười Nga, sự tồn tại của nhà nước Xô Viết là chổ dựa vững chắc của các lực lượng cách mạng thế giới, vạch rõ con đường phát triển tiến bộ lịch sử của nhân loại.

          Về tình hình trong nước, Luận cương chính trị vạch rõ: “hai điều đặc điểm hơn hết ở trong sự phát triển Đông Dương là:

a) Xứ Đông Dương cần phải phát triển một cách độc lập, nhưng vì là thuộc địa cho nên không phát triển độc lập được.

          b) Sự mâu thuẩn giai cấp ngày càng kịch liệt; một bên là thợ thuyền, dân cày và các phần tử lao khổ; một bên thì địa chủ, phong kiến, tư bổn và đế quốc chủ nghĩa”10 . Xã hội Đông Dương tồn tại các mâu thuẩn đan chéo, phức tạp, với tính chất, mức độ gay gắt khác nhau. Giải quyết mâu thuẩn này là nhu cầu bức thiết, sống còn, tạo tiền đề cho sự phát triển xứ Đông Dương trong tương lai lâu dài. Đánh giá tình hình thế giới và đặc điểm trong nước để chế định sự lựa chọn xây dựng đường lối cách mạng của Đảng ta, vừa phản ánh được xu thế khách quan của thời đại, vừa phản ánh được nhu cầu hiện thực của dân tộc, đảm bảo con đường phát triển của dân tộc ta hợp lý, hợp quy luật. Việc nhận diện chuẩn xác tình hình cho thấy tư duy nhạy bén, sắc sảo và sự tổng hợp khái quát cao của đồng chí Trần Phú.

          Tính hợp lý, hợp quy luật của sự phát triển đất nước quy định tính chất cách mạng: Đó là cách mạng tư sản dân quyền tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Con đường cách mạng này được ghi trong Chính cương vắn tắt của Đảng: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” 11 được xác định rõ hơn trong Luận cương chính trị: “Trong lúc đầu cuộc cách mạng Đông Dương sẻ là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, bởi vì cách mạng chưa có thể giải quyết trực tiếp được những vấn đề tổ chức xã hội chủ nghĩa; sức kinh tế trong xứ còn rất yếu, các di tích phong kiến còn nhiều, sức mạnh giai cấp tương đương chưa mạnh về phía vô sản, vả lại còn bị đế quốc chủ nghĩa áp bức. Vì những điều kiện ấy cho nên thời kỳ bây giờ cách mạng chỉ có tính chất thổ địa và phản đế.

          Tư sản dân quyền cách mạng là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng. Tư sản dân quyền cách mạng được thắng lợi, chánh phủ công nông được dựng lên rồi, thì công nghiệp trong nước được phát triển, các tổ chức vô sản được thêm mạnh, quyền lãnh đạo của vô sản sẻ thêm kiên cố, sức mạnh giai cấp sẻ nặng về phía vô sản. Lúc đó sự đấu tranh sẻ thêm sâu, thêm rộng, làm cho cách mạng tư sản dân quyền tiến lên con đường cách mạng vô sản. Thời kỳ này là thời kỳ cách mạng vô

sản toàn thế giới và thời kỳ kiến trúc xã hội chủ nghĩa ở Liên bang Xô Viết; xứ

 Đông Dương sẻ nhờ giai cấp vô sản chuyên chánh các nước giúp sức cho mà phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bổn mà đấu tranh thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”12

          Quan điểm này xác định rõ cách mạng Việt Nam là một quá trình phát triển liên tục, bao gồm hai giai đoạn: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mỗi giai đoạn có mục tiêu, nhiệm vụ, có nội dung, hình thức, chính quyền tương ứng. Hai giai đoạn kế tục liền mạch tạo nên một dòng chảy chủ đạo, tạo tiền đề và hỗ trợ lẫn nhau. Xét về thực chất đó là con đường cách mạng độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Luận cương chính trị đã góp phần cụ thể hóa, phát triển lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác, trực tiếp là lý luận cách mạng tư sản dân chủ kiểu mới của V.I Lênin, về tính đặc thù của quy luật cách mạng ở một nước thuộc địa nữa phong kiến nông nghiệp lạc hậu trong thời đại mới được mở ra sau thắng lợi của Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917.

          Việc xác định rõ ràng hai giai đoạn của quá trình cách mạng Việt Nam bảo đảm cho việc giải quyết đúng đắn mọi vấn đề trọng yếu của cách mạng nước ta, mà vấn đề hàng đầu là khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản “vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được”.

          Trên cơ sở phân tích hai mâu thuẩn cơ bản của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp và mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam mà chủ yếu là nông dân với địa chủ phong kiến. Luận cương chính trị đã chỉ ra những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng dân chủ nhân dân Việt Nam: Chống đế quốc và chống phong kiến, cụ thể là:

a)     Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến và địa chủ;

b)    Lập chính phủ công nông;

c) Tịch thu hết thảy ruộng đất của bọn địa chủ ngoại quốc, bổn xứ và các giáo hội; giao ruộng đất ấy cho trung và bần nông, quyền sở hữu ruộng đất về chánh phủ công nông;

d) Sung công hết thảy các sản nghiệp lớn của bọn tư bổn ngoại quốc;

e) Bỏ các sưu thuế hiện thời, lập ra thuế lũy tiến;

f) Ngày làm công 8 giờ, sửa đổi sự sanh hoạt cho thợ thuyền và quần chúng lao khổ;

g) Xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập, thừa nhận dân tộc tự quyết;

h) Lập quân đội công nông;

i)  Nam nữ bình quyền;

k) Ủng hộ Liên bang Xô Viết; liên kết với vô sản giai cấp toàn thế giới và phong trào cách mạng thuộc địa và bán thuộc địa.

Hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến có quan hệ chặt chẽ với nhau, tập trung vào đánh đổ đối tượng áp bức, bóc lột nhân dân, nô dịch quần chúng lao động. Bản Luận cương chính trị nêu rõ: “hai mặt tranh đấu có liên lạc mật thiết với nhau, vì có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa thì mới phá được giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa13. Thực tiễn cách mạng nước ta đã chứng minh trong điều kiện một nước thuộc địa, nữa phong kiến như nước ta, đế quốc Pháp đã dựa vào giai cấp địa chủ phong kiến để thống trị nhân dân và ngược lại, giai cấp địa chủ phong kiến phải cấu kết với đế quốc Pháp để duy trì sự bóc lột, làm giàu của chúng.

Luận cương chính trị khẳng định động lực chủ đạo của cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, trong đó giái cấp công nhân giữ vai trò chủ đạo. Xét về thực chất cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là cuộc cách mạng nông dân, trong đó giai cấp công nhân lãnh đạo. Trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu, nông dân là bộ phận dân cư đông đảo nhất, họ bị bóc lột nặng nề, bị nô dịch về đời sống tinh thần; đối tượng đông đảo cần được giải phóng chính là nông dân; lực lượng tham gia ủng hộ cách mạng củng là nông dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân thực hiện một cuộc cách mạng tự giải phóng mình để vươn tới tự làm chủ cuộc sống của mình. Vai trò chủ lực, động lực của công nhân và nông dân do địa vị kinh tế - xã hội quy định. Luận

 cương chính trị đã có một sự phân tích thật sự khoa học về địa vị này của công nhân và nông dân.

Về giai cấp công nhân: “Vô sản giai cấp ở Đông Dương phần nhiều do dân cày hoặc thủ công thất nghiệp mà hóa ra, còn đương mới mẻ chưa thoát khỏi những tư tưởng hẹp hòi, những hủ tục phong kiến lạc hậu và ít người biết chữ cho nên sự giác ngộ có bị trở ngại. Tuy vậy giai cấp ấy lại rất tập trung và mỗi ngày lại thêm đông và cách áp bức bóc lột theo lối thuộc địa lại rất tàn nhẫn, thành thử vô sản giai cấp mau phá sự trở ngại ấy mà nổi lên tranh đấu càng ngày càng hăng hái để chống lại tư bổn đế quốc. Vì vậy cho nên vô sản giai cấp trở thành một động lực chánh và rất mạnh của cách mạng ở Đông Dương, và lại là giai cấp lãnh đạo cho dân cày và quần chúng lao khổ làm cách mạng14. Giai cấp công nhân đại diện cho tương lai phát triển của dân tộc. Về mặt tổ chức, tư tưởng và hành động giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng.

Về giai cấp nông dân: “Dân cày là hạng người chiếm đại đa số ở Đông Dương, họ là một động lực mạnh cho tư sản dân quyền. Nhưng dân cày ở Đông Dương không phải là nhứt luật như nhau cả. Trong lúc tranh đấu chống đế quốc chủ nghĩa và địa chủ thì vô sản có thể kéo hết thảy dân cày về phe cách mạng, cuộc thổ địa cách mạng càng bành trướng thì bọn phú nông càng mau bước sang phe phản cách mạng”15

Từ việc phân tích địa vị kinh tế - xã hội khách quan đó, Luận cương chính trị đã đi đến kết luận có ý nghĩa như một quy luật: “Vấn đề thuộc địa là cốt lõi của cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp có đứng đầu và cùng với dân cày mà tranh đấu để binh vực quyền lợi hàng ngày cho dân cày và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để, thì mới có thể dành quyền lãnh đạo cho dân cày được. Đồng minh của giai cấp vô sản là bọn trung và bần nông”16

Luận cương chính trị đã đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới, xác định cách mạng vô sản Việt Nam là một bộ phận của cách mạng

vô sản thế giới. Nó là tiền đề lý luận cho các nguyên lý cơ bản: Kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, từng bước hình thành các mặt trận đoàn kết, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng giành thắng lợi: đoàn kết dân tộc đoàn kết với giái cấp vô sản ở “mẫu quốc”, đoàn kết với quần chúng cách mạng ở các nước thuộc địa, bán thuộc địa nhằm chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân.

Là một bộ phận hợp thành của phong trào cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của cách mạng thế giới; mặt khác, cách mạng Việt Nam phải hết sức ủng hộ phong trào cách mạng thế giới trong phong trào đấu tranh vì mục tiêu: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của cách mạng Việt Nam sẻ góp phần cổ vũ phong trào cách mạng thế giới, làm suy yếu hệ thống đế quốc chủ nghĩa.

Luận cương chính trị khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng như là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ thực tiễn của cách mạng trong nước và quốc tế cho thấy: “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chính trị đúng, có kỷ luật, tập trung mật thiết, liên lạc với quần chúng và từng trải đấu tranh mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương và lãnh đạo giai cấp vô sản Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”17.  

Ở đây, Luận cương chính trị đã đề cập đến những vấn đề lý luận then chốt có liên quan đến Đảng cộng sản, công tác xây dựng Đảng, tăng cường, giữ vững, củng cố năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đó là:

- Mục đích của Đảng là giải phóng giai cấp vô sản, quần chúng lao động, xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản.

- Về thành phần, Đảng bao gồm những phần tử ưu tú, tiền phong gương mẫu, xuất thân từ giai cấp vô sản và các tầng lớp lao động khác.

- Nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin.

- Điều kiện giữ vững địa vị lãnh đạo của Đảng là có đường lối cách mạng đúng, có kỷ luật tập trung, có quan hệ máu thịt với quần chúng nhân dân. Đây củng là các nguyên tắc trong tổ chức, sinh hoạt của Đảng vô sản kiểu mới.

Trong điều kiện các nước thuộc địa như Việt Nam, khởi nghĩa vũ trang là con đường duy nhất dành thắng lợi cho cách mạng. Luận cương chính trị nhấn mạnh, khởi nghĩa vũ trang toàn dân là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị cẩn trọng, chu đáo và biết phát động đúng thời cơ. Luận cương chính trị lưu ý phải kết hợp với đấu tranh để đạt cả mục đích trước mắt và lâu dài: “Không chú ý đến sự nhu yếu và sự tranh đấu hàng ngày của quần chúng là rất sai lầm, Mà nếu chú ý đến những nhu yếu hàng ngày mà không chú ý đến mục đích lớn của Đảng củng rất sai lầm”18. Đây là phép biện chứng của logic phát triển thực tiễn cách mạng.

Tóm lại: Luận cương chính trị dựa trên cơ sở những nguyên lý phổ biến nhất của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và về cách mạng giải phóng dân tộc; đường lối của quốc tế Cộng sản, nhất là Nghị quyết của Đại hội lần thứ VI; Tuyên ngôn và Chính cương của Đông Dương Cộng Sản Đảng; Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Về mặt thực tiễn, dự thảo Luận cương chính trị đã đi sát phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới; Phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam.

Luận cương chính trị bao gồm ba phần:

1.Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương

2. Những đặc điểm về tình hình ở Đông Dương

3. Tính chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương.

Luận cương chính trị khẳng định rõ mười nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương. Trong quá trình dự thảo Luận cương, đồng chí Trần Phú luôn được các đồng chí trong  Ban Chấp Hành Trung ương Đảng, các đồng chí trong các Xứ uỷ và nhiều đồng chí khác góp ý trong đó có: Trần Văn Lan,

Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Thế Rục.v.v. Luận cương chính trị của Đảng năm 1930 là sản phẩm trí tuệ tập thể trong đó phần đóng góp xứng đáng nhất thuộc về đồng chí Trần Phú - người trực tiếp viết Luận cương.

Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con ưu tú của dân tộc.

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng ta, đồng chí Trần Phú giữ một vị trí, vai trò đặc biệt. Đồng chí Trần Phú thuộc thế hệ những người chiến sỹ cộng sản tiền bối, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí được hun đúc từ truyền thống dân tộc và xu thế của thời đại, trở thành một trong những lãnh tụ tiêu biểu, một Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng mà tên tuổi gắn liền với bản Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 của Đảng ta.

Xuất thân từ một nhà nho, 5 tuổi đồng chí Trần Phú đã phải mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ, tuổi thơ đồng chí gắn với cảnh nước mất nhà tan. Quê hương trong ký ức đồng chí qua tiếng ru của mẹ, lời kể của cha là tấm gương của các anh hùng nghĩa sỹ như Đinh Lễ, Đinh Liễn trong kháng chiến chống quân Minh, là khởi nghĩa của Phan Đình Phùng trong phong trào Cần Vương chống Pháp, rồi phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du.. đã góp phần hun đúc nên tình yêu quê hương đất nước, ý chí căm thù giặc Pháp xâm lược.

  Trong thời gian học tập tại Huế, đồng chí Trần Phú đã kết thân với nhiều bạn đồng hương, đồng chí hướng như Hà Huy tập, Hà Huy Lương, Trần Văn Tăng, Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn…Họ được cổ vũ bởi một tấm gương lớn của người cựu học sinh Quốc học Nguyễn Tất Thành khi đó đã trở thành Nguyễn Ái Quốc với những hoạt động nức tiếng bên trời Tây.

Tốt nghiệp Quốc học Huế, nếu muốn “vinh thân, phì da” đồng chí đã có thể đi theo con đường khác. Nhưng đồng chí đã chọn nghề dạy học để đến với thế hệ trẻ, truyền cho họ tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cho độc lập tự do, thoát khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp và không còn áp bức, bất công. Trong thời kỳ đồng chí dạy học tại trường Cao Xuân Dục thành Vinh, đồng chí thường đưa học sinh đi thăm các di tích lịch sử, nơi tưởng niệm và tri ân các vị anh hùng, danh nhân văn hóa của dân tộc và quê hương xứ sở. Trong số các học sinh ưu tú của thầy giáo Phú về sau đã có nhiều người trở thành người cộng sản kiên trung như Nguyễn Ngọc Ba, Nguyễn Thị Vịnh (Nguyễn Thị Minh Khai), Lê Thị Phúc, Nguyễn Duy Trinh…

Với tuổi trẻ nhiệt huyết tại mãnh đất là một trong những cái nôi của cách mạng, lúc này “tiếng bom Sa Diện Phạm Hồng Thái”, cùng với những hoạt động sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị hòa bình Véc xay, Đại hội Tua, tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp, tham gia lập “Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa”, cùng với việc xuất bản các ẩn phẩm báo chí các mạng được đưa về trong nước đã làm nức lòng những người Việt Nam yêu nước và ảnh hưởng sâu sắc tới tình cảm, chí hướng cách mạng của đồng chí Trần Phú. Đồng chí đã quyết định từ bỏ nghề dạy học để dấn thân vào con đường cách mạng. Sau khi tìm gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được huấn luyện về “con đường cách mệnh”, được kết nạp vào Cộng sản đoàn. Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, đồng chí Trần Phú đã đến với lý tưởng cộng sản và sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời mình cho lý tưởng. Để rồi từ đó, chỉ trong một thời gian ngắn (10/1930 – 4/1931), đồng chí Trần Phú đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố Đảng ta về chính trị, tư tưởng và tổ chức, là tấm gương ngời sáng về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, về tinh thần bất khất trước kẻ thù.

Sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tinh thần hy sinh bất khuất, phẩm chất cách mạng cao quý, khát vọng cao cả và niềm tin không gì lay chuyển của đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, “người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”19 vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng sẻ mãi mãi cổ vũ các thế hệ mai sau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc Việt Nam bởi mục tiêu cao cả: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Hậu thế tri ân đồng chí Trần Phú - Tổng bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã đi xa nhưng Đảng ta, nhân dân ta luôn tưởng nhớ đến một người chiến sỹ cộng sản kiên trung bất khuất, suốt đời chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp độc lập và giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Ngay sau khi đồng chí Trần Phú hy sinh, trước những mất mát to lớn đó trong điều kiện bị kiểm duyệt ngặt nghèo nhiều tờ báo đã đưa tin về sự hy

sinh anh dũng của đồng chí Trần Phú như báo Tin tức, báo Dân chúng. Hội cứu tế

đỏ của Quốc tế cộng sản in hình đồng chí trên Bích chương của hội. Tạp chí Quốc tế Cộng sản từng ca ngợi: “ Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẻ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người Cộng sản”20 .Tiếc thương người đồng chí, anh em tù chính trị phạm tại Khám lớn Sài Gòn đã làm bài thơ tiễn biệt đầy xúc động khi nghe tin đồng chí hy sinh:

                   Trần Phú anh ơi đã thác rồi

                   Thác mà như thế đẹp gương soi

                   Bao phen sóng gió đâu sờn dạ

                   Mấy trận đòn tra chẳng hở môi

                   Tuy anh đã thác gương còn sáng

                   Thác được như anh sáng suốt đời.

Hiện nay, rất nhiều cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, công ty, trường học, các con đường đô thị và địa danh trên toàn quốc mang tên đồng chí Trần Phú. Các lễ kỷ niệm ngày sinh, nhất là vào những năm chẵn của đồng chí Trần Phú đều được Đảng, nhà nước nói chung, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đứng ra tổ chức các hội thảo khoa học, dâng hương tưởng niệm long trọng với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đánh dấu sự ghi nhận những công lao cống hiến to lớn của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Từ năm 1977 đến năm 2002, Khu di tích lưu niệm đồng chí Trần Phú là một bộ phận của Bảo tàng Nghệ Tĩnh, rồi Bảo tàng Hà Tĩnh (Từ năm 1991). Có chức năng, nhiệm vụ chính là bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị ý nghĩa của khu di tích thông qua nhà thờ tiểu chi họ Trần và nhà trưng bày lưu niệm đồng chí Trần Phú. Năm 1999, sau khi  tìm thấy và đưa hài cốt đồng chí Trần Phú từ thành phố Hồ Chí Minh về an táng tại quê hương. Ngày 14/6/2002, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 1315/QĐ-UB-TC về việc thành lập Ban quản lý di tích Trần Phú.

Ngày 8/1/2000, để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí

thư Trần Phú (1/5/1904 – 1/5/2004). UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định khởi công xây dựng khu vực mộ và chỉnh trang khu lưu niệm với các hạng mục như xây nhà đón tiếp, văn phòng làm việc, nâng cấp trưng bày, lắp đặt hệ thống điện...Tại khu mộ: làm đường, cải tạo hồ cá, xây lại các mộ phần, lát đường lên, xuống, đắp phù điêu, xây nhà bia tiểu sử, xây nhà thường trực, quy hoạch khuôn viên cây xanh, cây cảnh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng…Nguồn vốn do Ban tài chính quản trị Trung ương và tỉnh Hà Tỉnh cấp. Công trình cơ bản hoàn thành vào cuối tháng 4/2004, trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đ/c Trần Phú.

Đến năm 2014, để chuẩn bị cho kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định nâng cấp cải tạo lại 1 số hạng mục như tôn tạo lại nhà thờ tiểu chi, lát lại khuôn viên khu lưu niệm, khuôn viên khu mộ, sân hành lễ trước mộ phần TBT, bãi đậu xe, đường đi lối lại trong khuôn viên khu mộ...

 Từ khi thành lập đến nay, với tư cách là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì công tác bảo tồn, tôn tạo, quản lý và phát huy các giá trị của di tích luôn được thực hiện tốt.

Bộ máy tổ chức cơ quan đã từng bước ổn định, cán bộ nhân viên đoàn kết và có trách nhiệm cao trong công việc. Công tác chuyên môn nghiệp vụ từng bước được nâng cao. Hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị được tổ chức trang nghiêm, chu đáo, việc hướng dẫn khách tham quan ngày càng chuyên nghiệp, đi vào nề nếp. Bình quân mỗi năm, tai hai địa điểm của di tích, đón tiếp phục vụ khoảng gần 1 vạn lượt khách tham quan trong đó có nhiều đoàn do các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước dẫn đầu; các đoàn khách của các bộ ngành, đoàn thể Trung ương và nhiều đoàn khách quốc tế.

Hàng năm tại hai địa điểm của di tích diễn ra các kỳ lễ trọng đó là: Lễ rằm tháng giêng, rằm tháng 7 tại nhà thờ, lễ kỷ niệm ngày sinh của đồng chí Trần Phú vào ngày 1/5 dương lịch, lễ giỗ đồng chí Trần Phú vào ngày 23/7 âm lịch. Ngoài ra còn có lễ giỗ ông Trần Văn Phổ vào ngày 19/4 âm lịch, bà Hoàng Thị Cát vào ngày 27/11 âm lịch và ông Trần Ngọc Danh vào ngày 1/6 âm lịch hàng năm.

* Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú 1/5 dương lịch

Đây là thời điểm trùng với lễ kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam (30/4) và ngày Quốc tế lao động (1/5), thời điểm nghỉ lễ trong cả nước nên lượng khách tham quan tập trung đến với di tích khá đông. Ngoài các đoàn khách thường xuyên, luôn có đoàn cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh; lãnh đạo một số sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Những năm chẵn kỷ niệm ngày sinh, lượng khách đến với di tích đông hơn và thường có các đoàn do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước dẫn đầu. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy thường kết hợp với Huyện ủy Đức Thọ và Trường chính trị Trần Phú tổ chức hội thảo khoa học để làm sáng rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp, những đóng góp lớn lao của Tổng Bí thư Trần Phú cho Đảng và cách mạng Việt Nam.

Khách tới tham quan, sau khi thắp hương tại nhà thờ tiểu chi được mời sang nhà trưng bày lưu niệm để nghe giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Trần Phú thông qua hệ thống trưng bày. Sau đó tiến hành tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm và tri ân đồng chí Trần Phú tại khu mộ. Lễ vật gồm có hương, nến, hoa, mâm ngũ quả, trầu cau, rượu, vàng mã …

* Lễ giỗ Tổng Bí thư Trần Phú 23/7 âm lịch

Lễ giỗ Tổng Bí thư Trần Phú được tổ chức long trọng theo nghi thức cổ truyền dân tộc và tập quán của địa phương tại khu mộ.

Lễ vật gồm có hương, nến, hoa, mâm ngũ quả, trầu cau, rượu, vàng mã …Thành phần tham dự có đại diện lãnh đạo Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch; lãnh đạoHuyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Đức Thọ;  lãnh đạo xã Tùng Ảnh; cán bộ nhân viên Ban quản lý di tích Trần Phú và đại diện Hội đồng gia tộc họ Trần xã Tùng Ảnh. Nội dung lời khấn là mời anh linh đồng chí Trần Phú, thân phụ, thân mẫu, đồng chí Trần Ngọc Danh và các đồng chí, đồng đội của đồng chí Trần Phú về để thụ hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành. Nghi thức lễ giỗ gồm có dâng hương, dâng rượu (3 tuần), đọc chúc, điểm trà, hóa chúc văn…

Ngoài ra, các ngày giỗ của hai vị thân sinh đồng chí Trần Phú và đồng chí Trần Ngọc Danh do Ban quản lý di tích tổ chức. Lễ vật được biện và nội dung cúng tế giống như lễ giỗ đồng chí Trần Phú nhưng thành phần tham dự chỉ đại diện hội đồng gia tộc dòng họ Trần và cán bộ, nhân viên trong Ban quản lý.

* Các hoạt động văn hóa tín ngưỡng khác

Các ngày tết cổ truyền dân tộc, rằm tháng giêng, rằm tháng 7 tại nhà thờ tiểu chi họ Trần, Ban quản lý di tích Trần Phú kết hợp với Hội đồng gia tộc biện lễ gồm có xôi gà, hương, nến, hoa, mâm ngũ quả, trầu cau, rượu, vàng mã…theo truyền thống dân tộc để yết cáo lên vong linh tiên tổ họ Trần và vong linh đồng chí Trần Phú. Bên cạnh đó, trong những ngày sóc, vọng hàng tháng tại nhà thờ và khu mộ đồng chí đều có lễ vật để cung tiến lên vong linh tiên tổ họ Trần và vong linh các mộ phần.

Quê hương, đất nước luôn tri ân, tưởng nhớ tới những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú đã đóng góp cho Đảng và cho dân tộc Việt Nam.

Những hoạt động tưởng niệm tri ân tại khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú

Khu lưu niệm

Khu lưu niệm đồng chí Trần Phú tọa lạc trên một mảnh đất rộng 4.656,9m2 ngay cạnh đê La Giang bên dòng sông La, giữa một vùng dân cư đông đúc trù phú thuộc thôn Châu Tùng xã Tùng Ảnh. Khu lưu niệm là một quần thể các hạng mục công trình khép kín, bao gồm: Nhà thờ tiểu chi họ Trần, nhà trưng bày lưu niệm, văn phòng làm việc của Ban quản lý, nhà bảo vệ và khuôn viên cây xanh cây cảnh trong đó có rất nhiều cây được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội trồng lưu niệm khi về thăm khu di tích.

* Nhà thờ tiểu chi:

Di tích gốc tại khu lưu niệm là nhà thờ tiểu chi họ Trần (chi hai). Ngôi nhà, nguyên là nhà dân dụng được cụ Trần Viết Tân (cố nội đồng chí Trần Phú) xây dựng vào năm Nhâm Tuất (năm Tự Đức thứ 15-1862). Sau khi ông Tân qua đời, ngôi nhà được ông Trần Viết Tiến kế tự. Khi ông Tiến mất, ngôi nhà được ông Trần Văn Phổ thân sinh đồng chí Trần Phú thừa hưởng. Đầu năm 1901 khi ông Phổ mang theo cả gia đình vào huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên làm Giáo thụ thì ngôi nhà này được ông Đồ Cầu (chú ruột của đồng chí Trần Phú) sử dụng. Cho đến khoảng đầu những năm 1930, khi ông Đồ Cầu mua được một ngôi nhà ba gian dựng kế bên thì ngôi nhà này được ông hiến tặng cho dòng họ và từ đó tới nay trở thành nhà thờ tiểu chi họ Trần. Chính trong ngôi nhà này trong thời gian đồng chí Trần Phú học tại trường Quốc học Huế (1918 - 1922) , thỉnh thoảng đồng chí có về thăm nhà để dạy kèm thêm cho em trai mình và hai người em ruột của chị dâu là Nguyễn Vọng và Nguyễn Kính. Trong thời gian đồng chí Trần Phú dạy học ở trường Cao Xuân Dục thành Vinh (1922 - 1925), đồng chí ở trọ chung với người chị họ Trần Thị Loan, giáo viên dạy lớp nhì của Trường nữ học cạnh đền Nhà Bà. Lúc này đồng chí Trần Ngọc Danh đang học tại Trường Quốc học Vinh và thường cùng đồng chí Trần Phú đi bộ trên một quãng đường dài hơn 20 km vì lúc này đường xe lửa chưa hoàn thành ghé về thăm quê vào những dịp lễ, tết, nghỉ hè. Cuối năm 1925, sau thời gian hoạt động tại Pác Hin Bun (Lào), đồng chí Trần Phú bị bệnh sốt rét nên về quê nhà dưỡng bệnh một thời gian.

Năm 1977, ngôi nhà được Bảo tàng Nghệ Tĩnh đưa vào danh mục quản lý, đồng thời cử cán bộ của Bảo tàng về bảo vệ, trông coi và phát huy các giá trị di tích. Ngôi nhà trở thành di tích gốc lưu niệm đồng chí Trần Phú, nơi thờ tự vong linh đồng chí và vong linh tiên tổ họ Trần.

Nhà thờ tiểu chi họ Trần nguyên gốc có kết cấu kiến trúc theo lối nhà kẻ ba gian, 2 hồi; tường xây bằng đá ong; xung quanh nền ghép bằng đá hộc; mái lợp ngói Cẩm Trang. Do ảnh hưởng của trận lũ lụt năm 1945 và cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bằng không quân lần thứ nhất (1964), ngôi nhà có một số thay đổi nhưng nhìn chung vẫn giữ được kết cấu kiến trúc và dáng vẻ ban đầu.

Cửa vào nhà thờ có 3 cửa đều được làm theo kiểu thượng song hạ bản, trụ tròn, chốt xoay, mở vào trong, đặt trên đường địa đà và bậu cửa.

Bàn thờ phía trong được chia làm 3 cấp. Hương án phía ngoài sơn son thếp vàng, trên đặt di ảnh đồng chí Trần Phú, bên cạnh là 1 bài vị bằng gỗ ghi nội dung: Hiển thúc khảo, tốt nghiệp văn bằng Thành chung, sung giáo học, thoát ly hoạt động cách mạng, chức vụ Tổng Bí thư Trần Phú phủ quân thần vị; các đồ tế khí như cọc đèn, lư hương, mâm cổ bồng bằng gỗ, bát hương. Sau hương án là ban thờ bằng gỗ phía ngoài đặt mâm cổ bồng, bát hương, cọc đèn, phía trong sát vào tường phía sau là 3 long ngai bằng gỗ sơn son thếp vàng, bát hương và 4 bài vị (gồm bài vị hai vị thân sinh Tổng Bí thư Trần Phú: Ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát, bài vị người anh trai TBT Trần Phú - Trần Kim Tương và bài vị người em TBT Trần Phú - Trần Ngọc Danh. Các bài vị này có nội dung như sau:

+ Bài vị ông Trần Văn Phổ: Hiển tổ khảo, Đinh Dậu khoa hương thí trúng Giải nguyên, sắc thụ Hàn Lâm viện, trước tác phong Đức Phổ huyện, Tri huyện hiệu Nhất Phong Đông A Đường Bác Trai Tiên Sinh Thần vị

+ Bài vị bà Hoàng Thị Cát: Hiển tổ tỷ, Đinh Dậu khoa hương thí trúng Giải nguyên, sắc thụ Hàn Lâm viện, trước tác phong Đức Phổ huyện, Tri huyện Trần công chánh thất Hoàng Thị, hiệu Từ Thuận Nhũ Nhân Thần vị

+ Bài vị ông Trần Kim Tương: Hiển khảo, bản xã viên tử, Giáo học liệt sỹ thân nhân, niên sinh Canh Dần, húy Chương, tự Kim Tương Trần Phủ Quân Thần vị

+ Bài vị ông Trần Ngọc Danh: Hiển khảo nguyên Trung ương ủy viên, Đại biểu Quốc hội, Tổng đại diện chính phủ Việt Nam tại Pháp, húy Khôi, tự Ngọc Danh Trần Phủ Quân Thần vị.

* Nhà trưng bày

Nhà trưng bày được xây dựng năm 1984, đến năm 2013 được tôn tạo chỉnh trang lại. Hiện nay tại nhà trưng bày đang có gần 200 tài liệu hiện vật được trưng bày bao gồm các vật dụng của đồng chí Trần Phú, các hình ảnh tư liệu, sách, báo, các ấn phẩm…Đây là những nguồn tài liệu, hiện vật có giá trị về nhiều mặt mang tính khoa học và giá trị biểu cảm cao, giúp cho người xem tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú. Các tài liệu hiện vật này được trưng bày trong các tủ, kệ, bục, trên giá.

Nội dung trưng bày bao gồm:

- Gian khánh tiết: Bố trí gian giữa ở trung tâm ngôi nhà. Trong cùng là tượng bán thân đồng chí Trần Phú trong tư thế ngồi soạn thảo Luận cương. Tượng làm bằng chất liệu đồng (cao 0,73m, rộng 0,73m và dày 0,73m). Phía sau, trên nền phông là bức biểu tượng hình lá cờ Đảng và đoạn trích chữ màu vàng trong Luận cương chính trị tháng 10/1930: “...Tư sản dân quyền cách mạng là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng. Tư sản dân quyền cách mạng được thắng lợi, chánh phủ công nông đã dựng lên rồi thì công nghiệp trong nước được phát triển, các tổ chức vô sản được thêm mạnh, quyền lãnh đạo vô sản sẻ thêm kiên cố, sức mạnh giai cấp tương đương sẻ nặng về phía vô sản.

Thời kỳ này là thời kỳ cách mạng vô sản toàn thế giới và thời kỳ kiến trúc xã hội chủ nghĩa ở Liên bang Xô Viết; xứ Đông Dương sẻ nhờ chuyên chánh vô sản giai cấp các nước giúp sức cho mà phát triển bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chánh, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được”

Nội dung trưng bày tại nhà lưu niệm đồng chí Trần được chia làm 3 chủ để lớn theo dòng chảy thời gian.

- Chủ đề thứ nhất: Ảnh hưởng của quê hương, gia đình, bạn bè trong thời niên thiếu của đồng chí Trần Phú (1904 – 1926).

Các tài liệu hiện vật trưng bày tập trung làm nổi bật vùng đất La Giang – Đức Thọ nói riêng và quê hương Hà Tĩnh nói chung, nơi có truyền thống yêu nước và cách mạng, là quê hương của nhiều danh nhân lịch sử văn hóa, nhà yêu nước, chiến sỹ cách mạng tiêu biểu của Đảng và dân tộc Việt Nam. Các hình ảnh, tài liệu hiện vật gắn liền với địa danh nơi sinh thành, quá trình học tập và những cá nhân, phong trào cách mạng ảnh hưởng tới tinh thần yêu nước của đồng chí Trần Phú.

Chủ đề này trưng bày những hình ảnh, tài liệu hiện vật sau:

+ Ảnh bến Tam Soa, một trong những thắng cảnh trên quê hương Trần Phú.

+ Ảnh huyện đường Tuy An cũ, nơi gia đình đồng chí Trần Phú sinh sống từ năm 1901 – 1907.

+ Ảnh thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An tỉnh Phú Yên, nơi đồng chí Trần Phú cất tiếng khóc chào đời.

+ Ảnh cây nhãn cổ thụ tương truyền do ông Phổ trồng tại huyện đường Đức Phổ (Quảng Ngãi).

+ Bảng Phả hệ tiểu chi họ Trần.

+ Cuốn Trần tộc phả ký bằng chữ Hán (gia phả họ Trần xã Tùng Ảnh).

+ Tranh sơn dầu của Hồ Thọ tái hiện lại hoàn cảnh đáng thương của gia đình đồng chí Trần Phú sau khi ông Phổ mất.

+ Ảnh cụ Phan Đình Phùng.

+ Ảnh cụ Võ Liêm Sơn.

+ Ảnh cụ Phan Bội Châu.

+ Ảnh cụ Phan Chu Trinh.

+ Ảnh Trường Quốc học Huế.

+ Ảnh thành Vinh năm 1930.

+ Chiếc rương gỗ, vật dụng cá nhân của đồng chí Trần Phú trong thời gian dạy học tại Trường Cao Xuân Dục thành Vinh (1922 – 1925).

+ Ảnh Lê Văn Huân, lão chí sỹ cùng tham gia thành lập Hội Phục Việt.

+ Ảnh Nguyễn Thị Minh Khai, người nữ sinh được thầy giáo Phú giác ngộ về sau trở thành người cán bộ ưu tú của Đảng.

+ Ảnh đồng chí Trần Ngọc Danh

+ Ảnh núi Con Mèo (Bến Thủy), nơi thành lập Hội Phục Việt.

+ Ảnh nhà máy Diêm – Bến Thủy năm 1930.

+ Ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc những năm 1920 – 1924.

+ Ảnh con dấu của Hội Hưng Nam và 2 chữ Mộng Bạch.

+ Con dấu của Hội Hưng Nam.

+ Hình ảnh các tư liệu, sách báo tiến bộ được truyền bá bí mật vào Việt Nam trước năm 1930.

+ Tranh sơ dầu của Hồ Thọ tái hiện cảnh lớp học ban đêm của công nhân và nhân dân lao động Vinh do thầy giáo Phú giảng dạy.

- Chủ đề thứ 2: Quá trình hoạt động trong và ngoài nước (1925 – 1930)

Đây là thời kỳ đồng chí Trần Phú xuất dương sang Quảng Châu (Trung Quốc), tham dự lớp huấn luyện chính trị, được kết nạp vào Thanh niên Cộng sản đoàn; được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang học tập Trường Đại học Phương Đông và trở về nước hoạt động; được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng và đã có nhiều đóng góp lớn lao cho Đảng và cách mạng Việt Nam những tháng cuối năm 1930 đầu năm 1931, trên cương vị Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Chủ đề này trưng bày những hình ảnh, tài liệu hiện vật sau:

+ Ảnh khách sạn Nam Lai, ga Hàng Cỏ (Hà Nội), nơi đoàn xuất dương nghỉ lại ngày 13/7/1926.

+ Ảnh khách sạn Việt Nam Lâu, phố Hàng Cháo (Hải Phòng), nơi đoàn xuất dương nghỉ lại ngày 15,16/7/1926.

+ Ảnh bến đò Nà Sáo Tù bên bờ sông Bắc Luân (Trung Quốc) nơi đoàn xuất dương vượt qua vào lúc 5 giờ chiều ngày 17/7/1926.

+ Ảnh phòng học, phòng nghỉ của lớp huấn luện chính trị tại Quảng Châu (Trung Quốc) từ tháng 8 đến tháng 10/1926 tại trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (trung Quốc).

+ Ảnh trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (trung Quốc), số 13 – 13B đường Văn Minh (nay là số 248 – 250 đường Văn Minh).

+ Bộ quần áo dài, chiếc gối gỗ đồng chí Trần Phú sử dụng trong thời gian ở Hà Nội (1930).

+ Ảnh Trường đại học Phương Đông ở Mátxítcơva (Nga) những 1926.

+ Ảnh đồng chí Trần Phú trong hồ sơ lưu của sở Mật thám Trung Kỳ năm 1926.

+ Ảnh đồng chí Trần Phú trong thời gian học tại Trường đại học Phương Đông ở Mátxítcơva (Nga).

+ Ảnh 6 trong số 20 đồng chí tham dự lớp huấn luyện cùng đồng chí Trần Phú ở Quảng Châu, từ trái qua phải là: Nguyễn Ngọc Ba, Nguyễn Văn Lợi, Phan Trọng Bình, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Công Thu và Nguyễn Danh Thọ (Ảnh chụp năm 1965).

+ Ảnh, hồ sơ Nguyễn Trọng Nhã (tức Sáu Nhật: 1908 – 1956 quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh) nguyên Uỷ viên thường vụ Trung ương Đảng năm 1930 - 1931, người cùng đồng chí Trần Phú tham gia Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ II (3/1931).

+ Sưu tập hồ sơ, lý lịch, các loại giấy tờ, chứng chỉ, giấy nghỉ phép, giấy giới thiệu, đơn đăng ký…của đồng chí Trần Phú trong thời gian học tại Trường Đại học Phương Đông.

+ Ảnh nhà số 90 Hàng Bông Nhuộm (Hà Nội), nơi đồng chí Trần Phú khởi thảo Luận cương chính trị năm 1930.

+ Ảnh đền Hạ Lý (Hải Phòng), nơi ở của đồng chí Trần Phú khi về khảo sát và nắm tình hình đấu tranh cách mạng tại đây.

+ Ảnh đồng chí Trần Phú năm 1930.

+ Ảnh Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930).

+ Sưu tập các tờ rơi, khẩu hiệu, truyền đơn, yết thị, thông đạt, thông cáo của Đảng trong những năm 1930 – 1931.

+ Sơ đồ những địa điểm hoạt động trong nước của đồng chí Trần Phú.

+ Ảnh sơn dầu của Hồ Thọ, tái hiện phong trào đấu tranh của nhân dân trong Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931.

+ Sơ đồ những địa điểm hoạt động của đồng chí Trần Phú tại Sài Gòn năm 1931.

+ Bản trích câu nói: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí Trần Phú trước lúc hy sinh.

+ Ảnh nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn), nơi giam giữ và chữa trị cho đồng chí Trần Phú trong thời gian bị thực dân Pháp bắt, giam cầm (cuối tháng 8 đến 6/9/1931).

+ Phòng giam A3 nhà thương Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/9/1931.

+ Sưu tập các sách báo, ấn phẩm đưa tin và ca ngợi về sự hy sinh của đồng chí Trần Phú.

+ Mô hình phòng giam gắn phù điêu và những dụng cụ tra tấn của thực dân phong kiến đối với những người Cộng sản.

+ Bản trích bài thơ của anh em tù chính phạm tại Khám Lớn (Sài Gòn), khi nghe tin đồng chí Trần Phú hy sinh.

+ Rễ cây, mảnh ván quan tài nơi khai quật hài cốt đồng chí Trần Phú tại công viên Lê Thị Riêng (thành phố Hồ Chí Minh), ngày 5/1/1999.

+ Ảnh lễ truy điệu đồng chí Trần Phú tại hội trường dinh Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), ngày 12/1/1999.

+ Ảnh đồng chí Phạm Thế Duyệt - Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, đọc điếu văn trong lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú về an táng tại quê hương.

+ Ảnh các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú.

+ Ảnh đoàn xe hộ tống hài cốt đồng chí Trần Phú trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất về an táng tại quê hương.

+ Ảnh lễ truy điệu đồng chí Trần Phú tại hội trường xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

+ Ảnh đồng chí Nguyễn Đức Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đọc điếu văn trong lễ truy điệu và an táng hài cốt đồng chí Trần Phú.

+ Ảnh lễ an táng hài cốt đồng chí Trần Phú trên đồi Quần Hội, thôn Châu Linh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

 - Chủ đề thứ 3: Hậu thế tri ân, tôn vinh và phát huy tinh thần yêu nước của đồng chí Trần Phú, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp, văn minh.

Xứng đáng với sự hy sinh cao cả cho sự nghiệp độc lập và giải phóng  dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi nước nhà độc lập và trãi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nước Việt Nam nói chung, quê hương Hà Tĩnh nói riêng đang trên đường đổi mới và ngày càng giàu đẹp văn minh.

Trong chủ đề này, trưng bày những tài liệu hiện vật sau:

+ Sưu tập ảnh những con đường tại các thành phố lớn mang tên Trần Phú

+ Sưu tập ảnh các cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị hành chính…mang tên Trần Phú.

+ Sưu tập ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội về thăm khu di tích và dâng hương tưởng niệm đồng chí Trần Phú.

+ Ảnh bia tưởng niệm đồng chí Trần Phú tại công viên Lê Thị Riêng, thành phố Hồ Chí Minh.

+ Ảnh Đại hội tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh lần thứ XIX.

+ Ảnh cảnh quan sông núi Hà Tĩnh.

+ Ảnh thành phố Hà Tĩnh về đêm.

+ Ảnh bãi biển Thiên Cầm Hà Tĩnh.

+ Ảnh bến sông quê Hà Tĩnh.

+ Bản trích Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh lần thứ XIX.

+ Sưu tập ảnh các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng qua các thời kỳ, gồm: Trần Phú (1930 – 1931), Lê Hồng Phong (1935 – 1936), Hà Huy Tập (1936 – 1938), Nguyễn Văn Cừ (1938 – 1941), Trường Chinh (1941 – 1956 và 1986), Lê Duẫn (1961- 1986), Nguyễn Văn Linh (1986 – 1991), Đỗ Mười (1991 – 1997), Lê Khả Phiêu (1997 – 2001), Nông Đức Mạnh (2001 – 2011) và đồng chí Nguyễn Phú Trọng từ năm 2011 đến nay.

+ Sách: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ Ảnh tuyên ngôn độc lập, ngày 2/9/1945.

+ Ảnh chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954.

+ Ảnh xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, ngày 30/4/1975.

+ Ảnh Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1976 (Đại hội thống nhất non sông).

+ Ảnh khu mộ đồng chí Trần Phú tại đồi Quần Hội, thôn Châu Linh xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

* Vườn cây lưu niệm

Năm 1988, khu di tích được cơi nới mở rộng. Ngoài một số cây cổ thụ như nhãn, xà cừ, long não có tuổi đời trên dưới trăm năm do cha ông, thân nhân đồng chí Trần Phú trồng còn có rất nhiều cây lưu niệm khác được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước trồng khi về thăm khu di tích như cây hoa đại, cây phượng, cây đa, cây xoài…Dọc các lối đi và bao quanh các hạng mục trồng các loại cây mắt nai, cây chuổi ngọc, cây tùng tháp…được tỉa tót, chăm sóc cẩn thận tạo nên một không gian đẹp cho khuôn viên di tích.

Khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 12/1/1999, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, nguyện vọng của thân nhân gia đình Tổng Bí thư Trần Phú. Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú từ thành phố Hồ Chí Minh về an táng tại quê hương, trên đồi Quần Hội trước bến Tam Soa thuộc thôn Châu Linh xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Đây là một vùng đất “sơn kỳ thủy tú” Tam Soa – Linh Cảm một danh thắng nổi tiếng, nơi hội tụ của dòng Ngàn Sâu, Ngàn Phố tạo thành dòng sông La, cạnh là ngọn Tùng Lĩnh hàng thông soi bóng. Bên kia dòng sông về phía Tây Bắc là dãy Thiên Nhẫn nơi có thành Lục Niên nổi tiếng trong kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi. Phía Tây Nam là dãy núi Giăng Màn với ngọn Mồng Gà. Các núi này như một bức bình phong làm tiền án cho khu mộ, cùng với các dòng sông tạo nên một khung cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ.

Sách: Phong thổ ký các huyện tỉnh Hà Tĩnh, khi nói về vùng đất này đã viết: “Núi Tùng Lĩnh (Rú Thông), ở thôn Tùng Ảnh thuộc xã Việt Yên. Núi này nổi bên bờ sông chỗ sông Sâu, sông Phố gặp nhau. Trên núi có miếu thờ công thần Đinh Lễ rất linh ứng nên có tên là đền Linh Cảm và do đó, núi củng có tên là núi Linh Cảm. Trước núi, nổi trên mặt sông, có một tòa đá kỳ lạ; ông Nguyễn Tả Ao bảo là “Phượng ngậm sách mà uống nước”. Phía Đông núi nổi lên một bãi cát, tướng Hoàng Phúc quân Minh bảo đó là bút trâu ngược tới dòng sông. Đường núi, bến đò, tiếng sáo của mục đồng, tiếng hát của dân chài…thật là một nơi thắng cảnh. Ông Bùi Tồn Trai có bài thơ vịnh núi Tùng Sơn như sau:

                   Thanh u một giải núi sông liền

                   Ngút một hòn cao điểm chuyết thêm

                   Sâu, Phố ba chiều…sông họp nước

                   Hương La hai mạch núi cùng triền

                   Đình Hầu – cây, miếu mây vờn lá

                   Đỗ Xá – ghềnh thơi, sóng đẩy thuyền

                   Đá nổi đàn thơ ai đặt đấy

                   Khách chơi mấy độ những triền miên

                                                     (Thanh Minh dịch)21

Khu mộ tọa lạc trên một khuôn viên rộng 47.240,4m2, được chia làm 2 phần rõ rệt. Phần ngoài là các hạng mục gồm: cổng, đường vào, hàng rào bao quanh hồ, bãi đỗ xe, hồ nước. Phần trong bao gồm có cổng trong, khuôn viên cây xanh cây cảnh, nhà bia, nhà đón tiếp phục vụ khách tham quan,  mộ phần đồng chí Trần Phú, hai vị thân sinh và đồng chí Trần Ngọc Danh cùng với hệ thống tường rào xây bằng gạch và tường rào bằng lưới sắt B40 bao quanh khu mộ tách biệt với các hộ dân liền kề.

 * Phần mộ đồng chí Trần Phú

Mộ phần Tổng Bí thư Trần Phú nằm lưng chừng về phía Tây – Nam đồi Quần Hội. Núi Quần Hội là một trong những ngọn núi đầu tiên thuộc dãy Trà Sơn sau núi Tùng Lĩnh (còn gọi là ngọn Thiếu Tổ Sơn). Núi cao 37,5m so với mực nước biển, trên trồng các loại cây keo lá tràm, thông, tùng tháp có tuổi đời hơn 20 năm và nhiều loại cây bụi thấp, cỏ dại.

Phần mộ có bố cục thiết kế chặt chẽ, giữa các hạng mục với nhau như nhà bia tiểu sử, mộ phần đồng chí Trần Phú, sân hành lễ, mộ phần hai cụ thân sinh và mộ phần đồng chí Trần Ngọc Danh có các lối đi lên, xuống thuận tiện cho khách tham quan thăm, viếng.

Đường lên mộ hình chữ S, mang dáng dấp  bản đồ Việt Nam. Cuối đường lên là một khoảng sân lát bằng đá tự nhiên rộng 31m2. Đối diện là bức phù điêu bằng đá tự nhiên  dài 10m và cao 2,7 m trên đó khắc họa các hình ảnh của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), phong trào đấu tranh của nông dân, công nhân đòi hỏi tăng lương giảm giờ làm, giảm sưu, giảm thuế…phong trào cách mạng tháng 8 lật đổ chế độ thực dân, phong kiến và hình ảnh lao động sản xuất, kiến thiết nước nhà trong thời kỳ mới. Tới đây, đường lên được chia làm 2 ngã lên trái và phải mỗi nơi rộng 1,2m và dài hơn 5m, lát bằng đá granits. Mặt trong, ngoài các bức tường chắn khu mộ và lan can tam cấp ốp đá rối tự nhiên, phía trên đổ bê tông mài gralanto.

Qua hết đường lên, sau bức phù điêu là sân hành lễ rộng 108m2 lát bằng đá tự nhiên vuông 0,6 x 0,6m. Đây là nơi dành cho khách tham quan hành lễ khi về dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm và tri ân đồng chí Trần Phú. Phía trước sân dọc theo lan can đặt 05 chậu hoa khá lớn trên trồng các loại cây cảnh như trác bá, hồng phụng. Trước phần mộ đặt 01 lư hương bằng đá cao 1,45m; đường kính thân rộng 0,9m; 2 bên là đôi đèn đá mỗi cây cao 2,3m. Đây là tặng vật của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho Ban quản lý di tích Trần Phú năm 2012. Ngay sau lư hương là một ban thờ bằng đá tự nhiên dài 3,8m và rộng 0,87m; trên đặt 1 bàn đá nhỏ, 1 mâm bồng bằng đá. Nền mộ rộng 61,2m2, lát bằng đá granits màu đen. Trên phần nền đó được tạo 1 khoảng rộng 18,72m2 cao hơn nền mộ 0,2m lát bằng đá granits màu nâu đỏ, chính giữa đặt mộ phần đồng chí Trần Phú.

Mộ phần Tổng Bí thư Trần Phú có hình chữ nhật ốp bằng đá granits màu lông chuột chia làm 2 cấp. Trên đầu phần mộ là 1 tấm bia ốp đá cao 1,3m và rộng 0,83m trong đặt di ảnh đồng chí Trần Phú và dòng chữ: Đồng chí Trần Phú (1904 – 1931) Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng nhũ màu vàng.

Phía sau ngôi mộ là bức bình phông ốp bằng đá granits màu đỏ cao 4,2m và rộng 9m trên gắn lời căn dặn của đồng chí Trần Phú trước lúc hy sinh: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Dọc hai bên nền mộ mỗi nơi đặt 3 chậu hoa sứ quanh năm xanh tốt, bên phải trồng một cây hoa đại có tán khá rộng, cứ sau mỗi dịp tết đến xuân về lại đâm chồi nẩy lộc, tỏa hương thơm ngát cả một vùng.

Đường lên mộ hai cụ thân sinh nằm về phía Bắc, hướng lên trên mộ phần đồng chí Trần Phú, lát bằng đá granits.

Mộ phần hai cụ thân sinh nằm ở phía trên mộ phần đồng chí Trần Phú dọc theo sườn đồi, trong 1 khoảng sân lát bằng đá granits màu lông chuột rộng 32m2. Đây là một ngôi mộ đôi ốp bằng đá granits màu lông chuột. Phía sau là tấm bia gắn mộ chí. Nhìn theo chiều dưới lên, mộ phần ông Trần văn Phổ nằm về phía bên phải còn mộ phần bà Hoàng Thị Cát nằm về phía bên trái. Mộ chí ông Phổ ghi nội dung: Ông Trần Văn Phổ, Tùng Ảnh Đức Thọ Hà Tĩnh  (1865 – 1909), còn mộ chí bà Cát ghi: Bà Hoàng Thị Cát, Châu Dương Nghi Lộc Nghệ An, mất 27/11/1910.

Phía trước mộ phần thân sinh đặt 1 lư hương đá cao 0,55m; 2 bên mộ phía trên đặt 2 chậu hoa sứ còn phía sau là bức bình phông ốp đá granits màu đỏ cao 2,4m và rộng 4,2m.

Lối đi xuống, sang mộ phần đồng chí Trần Ngọc Danh dài 25,4. Mộ đồng chí Trần Ngọc Danh nằm chếch về phía Nam trong quần thể. Mộ có hình dáng giống mộ phần Tổng Bí thư Trần Phú nhưng nhỏ hơn, ốp bằng đá granits màu đen. Trên phần đầu mộ là một tấm mộ chí ốp đá cao 1,25m  trong gắn ảnh khắc đá đồng chí Trần Ngọc Danh và dòng chữ: Ông Trần Ngọc Danh (1908 – 1952), Đại biểu Quốc hội, Trưởng phái đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Pháp.

Hai bên phần mộ đặt 2 chậu hoa sứ giống như bên mộ phần 2 cụ thân sinh và mộ phần đồng chí Trần Phú. Lối đi xuống khu mộ dài 51m.

Giá trị lịch sử

Khu lưu niệm và khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú là di tích gốc, nơi bảo lưu, gìn giữ và trưng bày những tài liệu hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Trần Phú, nơi tưởng niệm và tri ân người chiến sỹ cộng sản kiên trung, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta. Thông qua nhà thờ và các tài liệu hiện vật được lưu giữ, trưng bày ở đây, giúp cho khách tham quan hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp, công lao cống hiến và những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú cho Đảng và cách mạng Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư trong những tháng ngày mới thành lập Đảng củng như ý chí kiên cường bất khuất trước kẻ thù, sự hy sinh cao cả của đồng chí Trần Phú cho sự nghiệp cách mạng.

Ngôi nhà là nơi gắn bó một phần tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành của đồng chí Trần Phú. Quê hương và mảnh đất Tùng Ảnh, La Giang – Đức Thọ đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cốt cách, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng căm thù sâu sắc mong muốn được giải phóng dân tộc thoát khỏi cảnh lầm than nô lệ một cổ hai tròng dưới chế độ thực dân phong kiến.

Nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Trần Phú chính là nghiên cứu một phần lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong những thập niên 1920, 1930 của thế kỷ trước. Đồng chí Trần Phú là một trong những người chiến sỹ cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên  đã: “…vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập” (Hồ Chí Minh).

Luận cương chính trị năm 1030 của Đảng là sản phẩm trí tuệ tập thể nhưng công lao lớn nhất thuộc về đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, người trực tiếp chắp bút soạn thảo. Luận cương chính trị năm 1930 đã xác định đúng đắn mục tiêu chiến lược và những bước đi tất yếu của cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở vận dụng lý luận về cách mạng không ngừng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Luận cương đã xác định đúng đắn tính chất của thời đại và yêu cầu thực tiễn của xã hội Việt Nam, vạch ra con đường phát triển của cách mạng tư sản dân quyền Việt Nam.

Mặc dầu chỉ có một thời gian ngắn ngủi trên cương vị Tổng Bí thư cho đến khi bị bắt và hy sinh nhưng đồng chí Trần Phú đã đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng tổ chức Đảng, các tổ chức, đoàn thể cách mạng quần chúng. Đồng chí và Ban chấp hành Trung ương đã kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, thông báo nhằm giữ vững đường lối chính trị đúng đắn, sửa chữa kịp thời những sai sót, không ngừng quan tâm bồi dưỡng quan điểm vô sản; đảm bảo Đảng vững mạnh về tổ chức, đoàn thể quần chúng, lãnh đạo cách mạng vượt qua một thời kỳ đầy khó khăn thử thách.

Giá trị văn hóa và khoa học, thẩm mỹ

Đức Thọ là mãnh đất địa linh nhân kiệt, đất văn vật chốn thi thư, là quê hương của nhiều học giả nhiều bậc hiền tài có công với dân với nước trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc mà trong số đó đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú như một ngôi sao tỏa sáng mà cuộc đời, sự nghiệp, ý chí còn vang vọng mãi đến hôm nay và mai sau.

Khu di tích lưu niệm là nơi gắn bó một phần tuổi thơ của đồng chí Trần Phú, nơi lưu giữ và trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí. Những hoạt động tham quan trải nghiệm, tri ân tại khu di tích và khu mộ của đông đảo khách tham quan trong nước và nhiều đoàn khách quốc tế; các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học kỷ niệm ngày sinh, ngày mất trên quê hương Hà Tĩnh thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, góp phần giáo dục và hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng cho đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ những chủ nhân tươi lai của đất nước.

Khu lưu niệm với di tích gốc là nhà thờ tiểu chi họ Trần với kết cấu kiến trúc truyền thống sử dụng từ những vật liệu có sản ở địa phương, hài hòa với cảnh quan xung quanh giữa một vùng quê thanh bình. Khu mộ trên đồi Quần Hội hướng tầm nhìn ra ngã ba Tam Soa, một vùng non nước hữu tình với núi sông, cảnh vật nên thơ thực sự là điểm thu hút du khách khi về tham quan, tưởng niệm, tri ân Tổng Bí thư Trần Phú gắn với núi sông với hồn quê Việt.

Nhìn chung, trải qua những tháng năm tồn tại, tại 2 địa điểm của di tích đã được tu bổ tôn tạo nhiều lần, xây mới nhiều hạng mục. Đến nay tại 2 địa điểm của khu di tích đã có đầy đủ các công trình thiết yếu của một khu di tích lưu niệm và khu mộ danh nhân. Các hạng mục công trình này được bố trí một cách hài hòa, có bố cục phù hợp tạo thành một chỉnh thể thống nhất vừa làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ vừa phát huy tốt các giá trị của di tích trong việc giáo dục truyền thống và tri ân, tưởng niệm đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta.

 

1. Huyện ủy, UBND huyện Đức Thọ:  Địa chí huyện Đức Thọ, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2004, tr. 578.

3.Tìm hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam qua các Đại hội và Hội nghị Trung ương 1930 2002, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2003, tr.98.

4. Bảo tàng cách mạng Việt Nam: Báo cáo về cuộc khảo sát con đường xuất dương của đồng chí Trần Phú hồi tháng 7 năm 1926 – Bản đánh máy ngày 28/3/1964 do Đào Duy Kỳ viết, có sự góp ý của đồng chí Phan Trọng Bình, một trong những người cùng đi với đồng chí Trần Phú.  

5.Tỉnh ủy Hà Tĩnh – Học Viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Đồng chí Trần Phú với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004 tr. 136.

6. Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Nhung, tư liệu lưu tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.

7. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.284

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t .10, tr. 9

9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.89

10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.90

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.3, tr.1

12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.93 - 94

13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.94 - 95.

14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.97.

15. Sđd, t.2, tr.97.

16. Sđd, t.2, tr.97.

17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.100

18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.100.

19. Điếu văn trong buổi lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, Báo Nhân dân, ngày 13/1/1999.

20. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh: Tạp chí Quốc tế Cộng sản, số 4, năm 1932, tiếng Nga, tr 67-68.

                                                                                        Bài và ảnh: Thái Thị Diệu Thúy