thông báo

video

hình ảnh

liên kết website

số lần truy cập

Thứ sáu, 3/ 5/ 2024 “Các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ…đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí đó đã vui vẻ hy sinh hết thảy

Tổng Bí thư Trần Phú – Người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam

27 - 03 - 2024

        Đồng chí Trần Phú (1904 – 1931), thuộc thế hệ những người chiến sỹ cộng sản tiền bối mà cuộc đời và sự nghiệp được hun đúc từ truyền thống dân tộc và xu thế của thời đại, trở thành một trong những lãnh tụ tiêu biểu, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Tên tuổi đồng chí Trần Phú gắn liền với bản Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 của Đảng. Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Trần Phú là một tấm gương kiên trung, bất khuất, suốt đời chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp độc lập và giải phóng dân tộc.

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nguyên quán: Xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh xuất thân trong một gia đình nhà nho có nhiều người đỗ đạt và có tư tưởng yêu nước chống Pháp. Ông nội của đồng chí Trần Phú là cụ Trần Viết Tiến, húy là Thân, sinh năm Ất Mùi (1835). Ông đậu hai khoa Tú tài năm Đinh Mão và Canh Ngọ được sung chức Hậu bổ tỉnh Quãng Ngãi, từng được coi là “ân xứ lão niên, giáp nội thủ chỉ” (người cao tuổi và người có uy tín đứng đầu một giáp trong làng). Thân phụ là ông Trần văn Phổ (còn gọi là Thiều), húy Hoan, sinh năm Ất Sửu (1865), đậu Tú tài khoa Nhâm Ngọ đời vua Tự Đức (1882); đậu Giải nguyên khoa Đinh Dậu đời vua Thành Thái (1897), sắc phong Hàn lâm viện trước tác (chức quan soạn thảo các văn bản của vua). Có tên hiệu là Nhất Phong Đông A Đường Bác Trai Tiên Sinh.

Thân mẫu đồng chí Trần Phú là bà Hoàng Thị Cát, con Chánh bát phẩm Hoàng Đức Triêm ở xã Châu Dương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát sinh hạ được 8 người con, Trần Phú là con thứ 7, có hai người con mất sớm là bà Trần Thị Chít và ông Trần Văn Cương. Các người con còn lại có nhiều người đỗ đạt, tiêu biểu là: Trần Dương, anh trai Trần Phú, húy là Bình, sinh năm Mậu Tuất (1898), giữ chức Phán sự Hàn lâm thị giảng. Em trai Trần Ngọc Danh, húy là Khôi, sinh tháng 6 năm Mậu Thân, hoạt động cách mạng từ những năm 1930 – 1931, từng là Xứ ủy viên Nam Kỳ, bị Pháp kết án khổ sai chung thân, đại biểu Quốc hội khóa I. Năm 1946, ông tham dự hội nghị Phôngtennơblô, sau Hội nghị được cử làm Trưởng phái đoàn đại diện chính phủ Việt Nam tại Pháp đến năm 1949. Năm 1951, ông về chiến khu Việt Bắc phụ trách Nhà xuất bản sự thật (nay là Nhà xuất bản chính trị Quốc gia) và mất tại đây vào năm Nhâm Dần (1952).

Năm 1897, sau khi đỗ Giải nguyên trường Nghệ An, ông Trần Văn Phổ được bổ làm Giáo thụ huyện Đức Thọ. Năm 1901, ông được điều chuyển vào làm Giáo thụ huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên mang theo cả gia đình và đồng chí Trần Phú được sinh ra tại đây. Đầu năm 1907, triều đình Huế lại bổ nhiệm ông Phổ làm Tri huyện Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi. Trong thời gian này, tại Trung kỳ đang diễn ra các phong trào cách mạng như phong trào Duy Tân của các sỹ phu yêu nước tiêu biểu như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp…Đây là phong trào yêu nước theo xu hướng dân chủ tư sản, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa bảng, nho sỹ yêu nước tiến bộ, chủ trương đoàn kết đồng bào và hành động theo phương hướng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Phong trào này không chỉ lôi cuốn sự tham gia của đông đảo giới cần lao mà còn tác động  mạnh mẽ đến giới trí thức, quan lại cấp thấp. Bên cạnh đó, từ năm 1908 phong trào chống sưu cao thuế nặng đã diễn ra mạnh mẽ, khởi đầu từ Quảng Nam rồi lan nhanh vào các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp, xả súng vào đoàn biểu tình làm cho nhiều người chết và bị thương, nhiều lãnh đạo phong trào bị bắt đưa lên máy chém hoặc bị đày ra Côn Đảo. Khi Tri huyện Trần Văn Phổ nhận được lệnh của Khâm sứ Trung Kỳ và Nam Triều ra tay đàn áp những người xin xâu, kháng thuế. Là một nhà nho có nhân cách, có chí khí lại làm quan trong bối cảnh nước mất nhà tan, ông cảm thấy bất lực, bế tắc không lối thoát nên đã tuẫn tiết nơi huyện đường vào đêm 19 tháng 4 năm 1909.

Sau khi cụ Phổ mất, gia đình đồng chí Trần Phú lâm vào cảnh khốn cùng. Bà Cát mang theo 6 người con bồng bế, dắt díu nhau đi về phía Tây thành Quãng Ngãi mở một ngôi hàng nước nhỏ để kiếm sống.  Vì quá vất vả và buồn phiền, bà Cát đã qua đời vào ngày 23/11/1910. Mấy anh chị em bơ vơ lưu lạc hết ở với chú Hoe Bảy rồi lại ra ở với họ hàng ở Quãng Trị, Thừa Thiên. Tại đây, nhờ được sự giúp đỡ của bà con, đồng chí Trần Phú đã được đi học và đậu bằng tiểu học tại trường Pháp – Việt Đông Ba.

1. Đồng chí Trần Phú, người Cộng sản kiên trung bất khuất

Trong hoàn cảnh 5 tuổi mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ, sống nơi đất khách quê người, mặc dầu đồng chí Trần Phú nhận được sự cưu mang đùm bọc của bà con họ hàng nhưng tuổi thơ của đồng chí đã trải qua những tháng ngày cơ cực: “…Vì còn nhỏ không có khả năng tự kiếm sống, nên tôi và em trai tôi được chị gái là một nữ hộ sinh làm việc tại bệnh viện Huế (An Nam) nuôi nấng. Mặc dù tiền lương của chị rất ít ỏi, thậm chí cùng cực, nhưng do kiếm thêm việc làm ở thành phố và với sự hy sinh hết mình, chị đã lo lắng, chăm sóc, tạo điều kiện cho tôi được theo học tại trường tiểu học 4 năm”[1]. Quê hương trong tâm thức đồng chí qua tiếng ru của mẹ, lời kể của cha là tấm gương của các anh hùng nghĩa sỹ như Đinh Lễ, Đinh Liễn trong kháng chiến chống quân Minh, là khởi nghĩa của Phan Đình Phùng trong phong trào Cần Vương chống Pháp, rồi những ảnh hưởng của các phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du, cuộc khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân năm 1916…cùng với những biến động của xã hội đã góp phần hun đúc nên tình yêu quê hương đất nước, ý chí căm thù giặc Pháp xâm lược.

Trong thời gian học tại Trường Quốc học Huế, đồng chí Trần Phú đã sớm bộc lộ là một người có chí hướng yêu nước, căm thù giặc Pháp xâm lược. Đồng chí đã tham gia vào Hội thanh niên tu tấn, mà tôn chỉ của Hội bên cạnh việc giúp nhau học tập còn là nơi trao đổi về tình hình đất nước, những trào lưu cách mạng và xã hội thời bấy giờ. Đồng chí kết giao với nhiều bạn đồng hương, đồng chí hướng như Hà Huy tập, Hà Huy Lương, Trần Văn Tăng, Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn…Họ được cổ vũ bởi một tấm gương lớn của người cựu học sinh Quốc học Nguyễn Tất Thành khi đó đã trở thành Nguyễn Ái Quốc với những hoạt động nức tiếng bên trời Tây.

Tốt nghiệp Quốc học Huế, nếu muốn “vinh thân, phì da” đồng chí đã có thể đi theo con đường khác. Nhưng đồng chí đã chọn nghề dạy học để đến với thế hệ trẻ, truyền cho họ tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cho độc lập tự do, thoát khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp và không còn áp bức, bất công. Trong thời gian đồng chí dạy học tại trường Cao Xuân Dục thành Vinh, đồng chí Trần Phú đã cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Trần Đình Thanh, Phan Kiêm Huy, Ngô Đức Diễn, Trần Tăng Lập lập nhóm đọc các sách, báo bí mật đã được Nguyễn Ái Quốc và các cộng sự của Người chuyển từ Pháp về, đồng chí và các bạn đã nhận thấy đó chính là nguồn ánh sáng mới. Trong các giờ giảng của mình, đồng chí Trần Phú thường đưa các em học sinh đi thăm các di tích lịch sử, nơi tưởng niệm và tri ân các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa hào hùng của dân tộc và quê hương xứ sở. Trong số các học sinh ưu tú của thầy giáo Phú về sau đã có nhiều người trở thành những người cộng sản kiên trung như: Nguyễn Ngọc Ba, Nguyễn Thị Vịnh (Nguyễn Thị Minh Khai), Lê Thị Phúc, Nguyễn Duy Trinh…Củng trong thời gian này đồng chí Trần Phú đã một số  nhà cách mạng Trung Kỳ đã họp và tuyên bố thành lập Hội Phục Việt (là một tổ chức giao thời của một số người thuộc hai nhóm: Chính trị phạm củ và giáo viên, sinh viên tiến bộ. Tôn chỉ hoạt động của Hội ban đầu chỉ giản đơn là: “Nghiên cứu tình hình chính trị trong nước để quyết định nên bạo động hay hòa bình; tìm cách liên lạc với các nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở Trung Quốc và Xiêm xem chủ trương của họ thế nào; tuyển mộ thêm đồng chí mới)[2]. Từ năm 1926, đồng chí Trần Phú trở thành một trong những người lãnh đạo Hội Phục Việt. Hoạt động của Hội Phục Việt là dạy chữ quốc ngữ cho công nhân và nhân dân lao động ở Vinh, hội còn dấy lên tinh thần yêu nước của nhân dân địa phương

Với tuổi trẻ nhiệt huyết, lại sống nơi mãnh đất là một trong những cái nôi của cách mạng, lúc này “tiếng bom Sa Diện”, cùng với những hoạt động sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị hòa bình Véc xay, Đại hội Tua, tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp, tham gia lập “Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa”, cùng với việc xuất bản các ẩn phẩm báo chí các mạng được đưa về nước đã làm nức lòng những người Việt Nam yêu nước và ảnh hưởng sâu sắc tới tình cảm, chí hướng cách mạng của đồng chí Trần Phú. Đồng chí đã quyết định từ bỏ nghề dạy học để dấn thân vào con đường cách mạng. Sau khi tìm gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được huấn luyện về “Đường cách mệnh”, được kết nạp vào Cộng sản đoàn. Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, đồng chí Trần Phú đã đến với lý tưởng cộng sản và sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời mình cho cách mạng. Để rồi từ đó, chỉ trong một thời gian ngắn (10/1930 – 4/1931), đồng chí Trần Phú đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố Đảng ta về chính trị, tư tưởng và tổ chức, là tấm gương ngời sáng về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, về tinh thần bất khất trước kẻ thù.

Ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, đồng chí Trần Phú đã tỏ rõ sự phản kháng đối với sự giáo dục hà khắc của Giáo sư Duyboa, giáo viên giảng dạy môn toán tại trường Quốc học Huế. Là lớp trưởng, đồng chí đã tổ chức “hội kín” với các bạn để bãi khóa. Cuộc phản đối này đã làm cho nhà trường và Giáo sư Duyboa hoảng sợ, buộc phải hứa “Giữ khoảng cách giữa tôi và học sinh”[3].

Tháng 9/1925, đồng chí Trần Phú đã giã từ nghề dạy học để sang Lào tới Pác Hin Bun trong vai thư ký của người chủ mỏ để vận động cách mạng, tìm hiểu đời sống và nguyện vọng của những người công nhân. Đây là những bước đi đầu tiên của đồng chí khi dấn thân vào con đường cách mạng đầy gian khó. Chuyến đi này đã giúp đồng chí có những hiểu biết nhất định về tình hình thực tế ở Lào để sau này vạch ra những đường lối thích hợp cho cách mạng toàn Đông Dương.

Tháng 12 năm 1926, sau khi tốt nghiệp lớp huấn luyện chính trị tại Quảng châu (Trung Quốc), đồng chí Trần Phú về đến Vinh, lúc này bọn mật thám săn tìm đồng chí khắp nơi và những người lãnh đạo đảng Việt Nam Cách mạng Đảng khuyên đồng chí tạm lánh sang Quảng Châu một thời gian .

Trong thời gian đồng chí tham gia học tập tại trường Đại học Phương Đông ở Mát xít cơ va, đồng chí đã bị toà án Nam Triều đã xử án tử hình vắng mặt cùng một lần với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí khác trong phiên toà đại hình tại Nghệ An, ngày 10/10/1929.

Tất cả những điều này đều không làm lay chuyển được ý chí, tinh thần cách mạng của đồng chí Trần Phú. Cho đến khi bị bắt vào ngày 18/4/1931, bọn mật thám và cảnh sát đã đưa đồng chí về giam tại bốt Pôlô rồi bốt Catina. Biết được đồng chí Trần Phú là một yếu nhân của Đảng: “…Ngày 18/4/1931, hồi 8 giờ, bắt được Trần Phú, tức Lý Quý, tức Giáo Quý ở Mátxcơva về, đã bị kết án tử hình, người mà chúng ta biết rất rõ”[4]. Nhiều tên mật thám, đao phủ nhà nghề của thực dân Pháp đã thay nhau giở mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ hòng mua chuộc, lung lạc tinh thần đồng chí Trần Phú, nhưng tất cả đều bất lực trước tinh thần kiên trung, bất khuất của người chiến sỹ Cộng sản lỗi lạc. Trước kẻ thù, đồng chí nhận mình là Tổng Bí thư của Đảng nhưng khảng khái nói rõ: “Ta không thể đem công việc của Đảng nói cho các ngươi nghe”. Sau nhiều lần hỏi cung không mang lại kết quả, thực dân Pháp đành phải đưa đồng chí về giam tại Khám lớn Sài Gòn, chờ ngày xét xử.

Sống nơi tù ngục đọa đày, thường xuyên chịu đòn roi tra tấn của kẻ thù, lại thêm bệnh viêm phổi và bệnh tràng nhạc ngày một trầm trọng. Đến cuối tháng 8/1931, thì sức khỏe đồng chí Trần Phú bị quỵ hẳn. Thực dân Pháp đành phải đưa đồng chí vào nhà thương Chợ quán để chữa trị và đến ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú đã vĩnh biệt đồng bào, đồng chí thân yêu với lời căn dặn cuối cùng: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Tấm gương chiến đấu, hy sinh bất khuất của đồng chí Trần Phú cùng với lời căn dặn cuối cùng đã đã trở thành ngọn lửa, niềm tin, sự động viên khích lệ Đảng ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục con đường đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc không những trong giai đoạn đầu của cách mạng mà còn đối với hôm nay và mai sau, trong những vận hội và thách thức mới.

2. Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam

Với những cống hiến lớn lao của mình, 26 tuổi đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú đã được tín nhiệm bầu giữ trọng trách cao nhất của Đảng, 27 tuổi hy sinh. Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Trần Phú mặc dầu ngắn ngủi nhưng đã có những đóng góp hết sức to lớn cho Đảng và cách mạng, đồng chí là người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

 Trước hết, đồng chí Trần Phú là một tấm gương tiêu biểu cho tầng lớp thanh niên yêu nước, sống có lý tưởng, khát khao cống hiến vì sự nghiệp độc lập và giải phóng dân tộc; kiên trung, bất khuất trước kẻ thù, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Xuất thân trong một gia đình nhà nho, sớm chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, tuổi thơ của đồng chí Trần Phú đã trải qua những tháng ngày cơ cực. Hình ảnh tuẫn tiết của người cha thân yêu bất lực trước cảnh nước mất nhà tan, trước cường quyền. Những bất công nghịch cảnh xã hội ở chốn kinh kỳ nơi đồng chí Trần Phú theo học. Các phong trào cách mạng của các văn thân sỹ phu, các cuộc biểu tình của nông dân, thợ thủ công, dân nghèo thành thị đã khắc sâu vào tâm khảm của đồng chí. Các sách báo tiến bộ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các cộng sự cùng những hoạt động sôi nổi của Người ở Paris mà đồng chí Trần Phú tiếp cận được như những ngọn gió mát lành được đồng chí Trần Phú và các bạn háo hức đón nhận.  Quê hương Hà Tĩnh, mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng với lớp lớp những anh hùng nghĩa dũng xuyên suốt trong lịch sử dân tộc dã góp phần hun đúc, bồi đắp cho đồng chí tinh thần yêu nước thương dân, căm thù giặc Pháp xâm lược và bè lũ tay sai. Vì thế, ngay từ sớm đồng chí đã ý thức được cho mình con đường dấn thân vì nước vì dân. Đồng chí đã kết giao với những người bạn bè đồng chí hướng, sống gần gũi với những người dân lao động, tầng lớp cùng khổ để hiểu họ, giúp đỡ họ. Trong thời gian dạy học ở trường Cao xuân Dục, đồng chí và một số bạn thường vào các xóm lao động nghèo dạy chữ Quốc ngữ cho nhân dân lao động địa phương. Thỉnh thoảng đồng chí có về thăm nhà để dạy kèm thêm cho em trai mình và hai người em ruột của chị dâu là Nguyễn Vọng và Nguyễn Kính. Lúc này đồng chí Trần Ngọc Danh đang học tại Trường Quốc học Vinh và hai anh em đồng chí thường đi bộ trên một quãng đường dài hơn 20 km vì lúc này đường xe lửa chưa hoàn thành để ghé về thăm quê vào những dịp lễ, tết, nghỉ hè. Trên những chặng đường đó, cuộc sống cùng khổ của nhân dân quê hương đang rên xiết dưới ách đô hộ của thực dân, phong kiến như những ngọn lửa âm ỉ ngày đêm thôi thúc đồng chí tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước, tỏ rõ sự phản kháng mạnh mẽ đối với chế độ thực dân phong kiến, khát khao đi tìm lý tưởng, con đường cách mạng và sẳn sàng hiến dâng cả đời mình cho lý tưởng đã lựa chọn. Từ việc tham gia vào Hội thanh niên tu tấn, Hội đọc sách đến việc tham gia thành lập Hội Phục Việt rồi lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, được kết nạp vào Thanh niên Cộng sản đoàn đã đánh dấu những bước trưởng thành trên con đường cách mạng của đồng chí. Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đồng chí Trần Phú đã trở thành một người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố tổ chức đảng, xây dựng các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo phong trào cách mạng những tháng cuối năm 1930 đầu năm 1931.

Về mặt lý luận, chỉ trong một thời gian sau khi được tham gia học tập lớp huấn luyện chính trị (1926), Đại học Phương Đông (1927 – 1929) và đi khảo sát tình hình thực tế ở một số địa phương (Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và khu mỏ Hòn Gai) đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp quan trọng cho Đảng ta về mặt lý luận, tư tưởng và tổ chức.

Hội Phục Việt, sau đổi tên thành Hội Hưng Nam, Tân Việt Cách mạng Đảng ngay từ buổi đầu đã tỏ ra lúng túng về đường lối cách mạng, thiếu sự dẫn dắt của một lý luận tiên phong. Qua sự truyền thụ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, lại được đào tạo từ “nguồn trong gốc thẳng” tại trường đại học Phương Đông. Đồng chí Trần Phú đã rất thấm nhuần lời dạy của V.I. Lênin: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh đúng…chỉ có theo lý luận cách mệnh tiên phong, Đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”. Vì vậy đồng chí Trần Phú đã say mê học tập lý luận và tỏ rõ là một người có năng khiếu về tư duy, tầm nhìn vượt thời gian. Dù học tập ở đâu, đồng chí Trần Phú đều tốt nghiệp xuất sắc.

Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú gắn liền với dự thảo Luận cương chính trị năm 1930 của Đảng. Luận cương chính trị là sản phẩm trí tuệ tập thể nhưng công lao lớn nhất thuộc về đồng chí Trần Phú – Người trực tiếp chắp bút soạn thảo. Luận cương chính trị dựa trên cơ sở những nguyên lý phổ biến nhất của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin; về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và về cách mạng giải phóng dân tộc; đường lối của quốc tế Cộng sản, nhất là Nghị quyết của Đại hội lần thứ VI; Tuyên ngôn và Chính cương của Đông Dương Cộng Sản Đảng; Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Về mặt thực tiễn, dự thảo Luận cương chính trị đã đi sát phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới; Phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam.

Trong điều kiện Đảng ta mới được thành lập, trình độ lý luận trong Đảng còn hạn chế, sức lan tỏa của chủ nghĩa Mác – Lênin chưa sâu rộng thì bản Luận cương chính trị là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở phân tích những đặc điểm tình hình của các giai cấp ở Đông Dương, Luận cương đã xác định một cách đúng đắn con đường cách mạng đó là “Đánh đổ bọn thực dân, phong kiến và tay sai, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng, bỏ qua thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa mà tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”. Nhân tố quyết định của thắng lợi cách mạng Đông Dương là phải dưới sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản có đường lối đúng đắn, kỷ luật nghiêm minh, liên hệ mật thiết, chặt chẽ với quần chúng từng bước đấu tranh mà trưởng thành. Con đường đi đến thắng lợi cuối cùng phải là con đường bạo lực cách mạng, vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Những đường lối cơ bản của Luận cương chính trị cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 94 năm qua, ngày càng chứng minh rõ ràng hơn công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Để chuẩn bị lực lượng, kết nối với mọi giai tầng trong xã hội dưới ngọn cờ của Đảng vì mục tiêu độc lập và giải phóng dân tộc. Qua hai kỳ Hội nghị Trung ương dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú đã xuất bản báo Cờ vô sản, báo Cộng sản, thành lập Ban tuyên truyền đồng thời ra: Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh. Khẳng định vai trò nồng cốt của công nông là động lực chính của cách mạng. Có thể nói, những quan điểm chỉ đạo trong Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương mà trực tiếp là đồng chí Trần Phú, có tác dụng rất quan trọng trong việc xây dựng tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi trên phạm vi toàn quốc sau này. Quán triệt sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, ngay tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác quần chúng là phải thi hành án Nghị quyết, phái ra một số đồng chí tuổi trẻ phụ trách, tổ chức ra Thanh niên cộng sản Đoàn và giúp cho đoàn có tính chất độc lập. Tới Hội nghị Trung ương lần thứ hai Ban Thường vụ Trung ương dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú đã đã ban hành Án nghị quyết thành lập Cộng sản thanh niên đoàn. Đồng thời yêu cầu: “Lập tức các Đảng bộ địa phương phải mau mau tổ chức những ủy viên tổ chức ra Đoàn, đốc xuất cho chi bộ tổ chức…”[5].

Cùng với việc xúc tiến các công việc cần thiết để tổ chức Hội đồng minh phản đế Đông Dương Đoàn thanh niên Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương đã rất chú trọng tới việc thành lập, củng cố tổ chức Công hội và đẩy mạnh phong trào công nhân, củng cố tổ chức Nông hội, các phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân. Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua một loạt các văn kiện về Điều lệ Đảng, Điều lệ của Tổng công hội Đông Dương, Công hội, Nông hội làng, Ban chấp hành nông hội xã bộ, Phụ nữ liên hiệp hội, Đồng minh phản đế ở Đông Dương, Hội cứu tế đỏ và các án nghị quyết về các tổ chức, đoàn thể này. Trong đó đặc biệt chú trọng vào Công hội theo chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Trần Phú là người trực tiếp phụ trách Công hội đỏ.

Sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tinh thần hy sinh bất khuất, phẩm chất cách mạng cao quý, khát vọng cao cả và niềm tin không gì lay chuyển của đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, “người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[6] vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng sẻ mãi mãi cổ vũ các thế hệ mai sau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc Việt Nam bởi mục tiêu cao cả: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

 

 

 

  

     

    

 

 



[1]  Lý lịch tự thuật – Bản khai của đồng chí Trần Phú tại Trường Đại học Phương Đông, bằng tiếng Việt dịch sang tiếng Nga. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh

[2] Tìm hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam qua các Đại hội và Hội nghị Trung ương 1930 2002, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2003, tr.98.

[3] Trần Phú tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 30,31

[4] Trần Phú tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 143

[5] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 99

[6] Điếu văn trong buổi lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, Báo Nhân dân, ngày 13/1/1999.