thông báo

video

hình ảnh

liên kết website

số lần truy cập

Thứ bảy, 12/ 10/ 2024 “Các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ…đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí đó đã vui vẻ hy sinh hết thảy

Phan Đình Phùng

27 - 02 - 2014

Phan_Dinh_Phung.jpg


     Phan Đình Phùng (1847-1895) là một lãnh tụ tiêu biểu của phong trào yêu nước chống Pháp vào cuối thế kỷ 19. Cụ sinh năm 1847, ở làng Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Châu Phong, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), trong một gia đình nho học. Phan Đình Phùng là con cụ phó bảng Phan Đình Tuyến, em ruột chí sĩ Phan Đình Thông và cử nhân Phan Đình Thuật, anh ruột phó bảng Phan Đình Vận.
      Phan Đình Phùng đỗ cử nhân năm 1876. Năm sau, đậu đình nguyên tiến sĩ, được bổ làm Tri huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình). Sau đó cụ được đổi về kinh đô Huế, sung chức Ngự sử đô sát viện. Cụ Phan nổi tiếng trong triều về đức tính cương trực, thẳng thắn. Năm 1882, cụ dâng sớ đàn hặc thiếu bảo Nguyễn Chánh về tội "ứng binh bất viện" (cầm quân ngồi yên không đi tiếp viện) khi giặc Pháp tấn công thành Nam Định. Do bất đồng quan điểm với Tôn Thất Thuyết về việc phế Dục Đức, lập Hiệp Hòa (1883) cụ bị cách chức, về quê lập trại cày, tự hiệu là "Châu Phong".
      Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng đã đứng ra chiêu tập lực lượng chống Pháp. Các anh hùng, hào kiệt khắp bốn tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Quảng Bình tự nguyện liên kết lực lượng dưới quyền chỉ huy của cụ Phan. Nghĩa quân đã xây dựng căn cứ tại Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh).
      Cụ Phan đã tổ chức lực lượng nghĩa quân theo đạo quân chính quy; có 15 quân thứ với cùng một kiểu trang phục, kỷ luật nghiêm minh. Các quân thứ được đặt tại các địa phương, rải suốt bốn tỉnh và hợp tác tác chiến nhịp nhàng theo kế hoạch từ đại bản doanh núi Vụ Quang. Cụ cùng các tướng như Cao Thắng nghiên cứu, chế tác thành công được gần 500 khẩu súng trường kiểu 1874 của Pháp để trang bị cho quân lính.
      Phan Đình Phùng rất chú ý đến công tác ngụy vận. Cụ thường bảo với nghĩa quân: "Hễ khi giao chiến vạn bất đắc dĩ hãy bắn giết lính tập, bởi họ là anh em đồng bào với mình".
Bằng đức tính và tài năng của mình, Phan Đình Phùng đã cảm hóa được các tướng lĩnh giỏi như Cao Thắng, Nguyễn Thanh, Nguyễn Trạch, Phan Đình Cam, Cầm Bá Thước, Nguyễn Mục, v.v... hết lòng trung thành với sự nghiệp chống Pháp...
      Suốt mười năm trời (1885 - 1895), bất chấp mọi khó khăn gian khổ, nghĩa quân Phan Đình Phùng đã gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Ngoài các hình thức chiến đấu tiến lui, công đồn, diệt viện, Phan Đình Phùng đã chỉ huy nghĩa quân xây dựng làng chiến đấu, áp dụng lối đánh du kích, có hầm chông cạm bẫy. Sau một loạt trận công đồn, chiến thắng lẫy lừng, trận Vụ Quang (10-1894) là nổi tiếng, vang dội và gây cho giặc thất bại nặng nề nhất.
      Thực dân Pháp thấy không thể dùng sức mạnh quân sự dẹp tắt được nghĩa quân, nên dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc cụ Phan. Chúng lợi dụng các tên Việt gian như: Phan Trọng Mưu, Võ Khoa, Hoàng Cao Khải viết thư lấy tình xưa nghĩa cũ để khuyên cụ ra hàng. Trước mọi sự cám dỗ, đường mật, Phan Đình Phùng vẫn giữ lòng son sắt cự tuyệt. Trong lúc cuộc chiến đấu còn tiếp diễn thì không may ngày 28-12-1895, do mắc bệnh lỵ nặng, Phan Đình Phùng đã qua đời tại bản doanh (núi Quạt) thọ 49 tuổi.
      Phan Đình Phùng mất đi, cuộc khởi nghĩa cũng kết thúc. Song, cuộc khởi nghĩa Hương Khê xứng đáng là đỉnh cao của phong trào Cần Vương. Đây cũng là thời điểm kết thúc sứ mạng lãnh đạo của tầng lớp sĩ phu phong kiến Việt Nam chống Pháp.
      Phan Đình Phùng không chỉ là người lãnh đạo tài năng mà còn là nhà thơ. Cụ đã sáng tác một số câu đối (Điếu Lê Ninh, Khốc Cao Thắng), thơ (Đáp hữu nhận ký thi, Thắng trận hậu cảm tác, Kiến ngụy binh thi cảm tác, Phúc đáp Hoàng Cao Khải). Tác phẩm của cụ cho ta thấy cụ là nhà nho trung nghĩa với dân với nước.

      Rất nhiều thơ văn ca ngợi khí phách anh hùng của Phan Đình Phùng. Dưới đây xin giới thiệu câu đối: “Văn thân Nghệ Tĩnh điếu Phan Đình nguyên” do cụ Đào Tấn, lúc ấy làm tổng đốc An Tĩnh chấp bút” nguyên văn chứ Nho, mỗi vế dài 80 chữ, cái văn khí ngậm nén mà dào dạt…” (Xuân Diệu - thơ và từ Đào Tấn). Sau đây là bản dịch của Mịch Quang:


      Anh hùng thành bại chớ bàn. Lòng trung ấy, nghĩa lớn ấy, thề chung thủy trọn anh cùng chiến hữu. Anh linh son, mực đạo sách đèn nên phải trọng cương thường. Khá hận bấy: Ngôi nhà nghiêng đổ, một cây chống chẳng được nào! Cung lạnh khói tan, tiếng oán dậy rừng ai chẳng xót! Huống đang lúc rồng bay mây ám, lại thêm tráo trắc việc người! Thương thay La Việt giang sơn, văn hiến trăm năm trơ chiến địa!

Trời đất cổ kim còn mãi, núi ngất cao, sông chảy xiết, vũ trụ này là của đấng trượng phu. Gió tuyết Lam Hồng, ngạo giá rét cũng hao mòn tùng bách. biết sao đây! Sóng cả dâng trào, cột đá giữa dòng khá vững. Sao dời vật đổi, chạnh tình vườn cũ nghĩ càng đau! Lại gặp cơn gió thốc nhạn lìa, trách bấy lòng trời chẳng giúp! Rõ thật Tùng Mai khí tiết, tinh thần một thác sáng trăng sao!”.