Nhà thờ Lê Đăng Ái là nơi thờ tự, tưởng niệm và tri ân Mậu lang tướng quân, thủy tổ dòng họ Lê Đăng thôn Phúc Lộc, xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà thờ nằm giữa một vùng dân cư thanh bình trù phú, bao quanh bởi những cánh đồng, bãi bồi, ruộng lúa, nương ngô bên tả ngạn dòng sông La hiền hòa, ngày đêm âm thầm bồi đắp phù sa.
Dựa theo các nguồn sử liệu như "Địa chí huyện Đức Thọ", xuất bản năm 2002, "gia phả dòng họ Lê Đăng" (bản dịch chữ Quốc ngữ) được lập vào triều vua Khải Định thứ 9 (1924) thời Nguyễn, cùng một số dấu tích còn lưu lại như niên đại trùng tu, tôn tạo khắc bằng chữ Hán trên hai thanh xà thượng ở hai đầu hồi phía bắc và phía tây nhà thượng điện "Giáp Dần niên tạo tác" và "Mạnh thu nguyệt hoàn thành" có nghĩa là: Nhà thờ xây dựng (vào khoảng đầu) năm Giáp Dần (1914, niên hiệu vua Duy Tân thứ 8) và đến mùa thu (tháng 7 âm lịch) thì hoàn thành. Qua nội dung các câu đối, bài vị bằng chữ Hán đang còn lưu giữ được tại nhà thờ đã cho thấy thủy tổ dòng họ Lê Đăng thôn Phúc Lộc là hai cha con, hai danh thần thời Lê sơ: Người cha là Lê Đăng Ái và người con là Lê Thừa Sủng. Vốn gốc là người ở đạo Thanh Hoa (Thanh Hóa hiện nay) tham gia nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày đầu do Lê Lợi lãnh đạo kháng chiến chống quân Minh xâm lược (1418-1427). Cuối năm 1424, sau những lần bị vây hãm khốn khó ở vùng rừng núi Chí Linh, theo kế của Nguyễn Chích, Lê Lợi đã kéo quân vào Nghệ An "chuyển quân vào Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng, người đông, rồi dựa vào đấy mà quay ra đánh lấy Đông Đô”. Hai cha con Lê Đăng Ái và Lê Thừa Sủng đã tham gia nhiều trận đánh lớn thu được nhiều thắng lợi rực rỡ như trận Đa căng, Trà Lân, Khả Lưu, Bồ Ải, giải phóng Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa. Từ đây nghĩa quân đã từng bước thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập mở rộng địa bàn hoạt động, kiểm soát trên cả một vùng rộng lớn bao gồm: Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa
Tháng 9/1426, sau khi đã củng cố thực lực, xây dựng lực lượng lớn mạnh, nghĩa quân Lam Sơn kéo quân ra Bắc giải phóng Đông Quan. Lê Đăng Ái lại tiếp tục tham gia các trận đánh lớn như trận Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Xương Giang đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình trong công cuộc giải phóng dân tộc. Lúc này, người con Lê Thừa Sủng đã ở lại trong một đạo quân trấn thủ vùng đất Nghệ An. Sau khi đất nước giành được độc lập (1427), nhận thấy vùng đất bãi bồi bên tả ngạn dòng La (xưa là thôn Yên Thọ, xã Yên Thọ, tổng Yên Hồ, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An nay là xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), là nơi có đất đai tươi tốt, phong tục thuần hậu nhưng dân cư còn thưa thớt. Lê Thừa Sủng đã kêu gọi mọi người cùng nhau mở mang thực nghiệp, chăm lo cày cấy, be bờ đắp đập, huấn dụ phong tục, răn dạy chữ nghĩa lập nên cả một vùng dân cư trù phú. Ông và người cha là Lê Đăng Ái đã trở thành thủy tổ dòng họ Lê Đăng thôn Phúc Lộc, xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ. Từ đó đến nay, dòng họ Lê Đăng trở thành một dòng họ lớn trong xã. Con cháu về sau có nhiều người hiển đạt và có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.
Sau khi hai ông mất, quả cảm những công ơn to lớn mà hai cha con Lê Đăng Ái và Lê Thừa Sủng đã cống hiến trong sự nghiệp bình Ngô và việc chiêu dân lập ấp những năm đầu của thế kỷ XV, triều đình nhà Lê đã truy phong cho Lê Đăng Ái là: Mậu lang tướng quân. Thời Nguyễn, đời vua Duy Tân năm thứ 8 (1914), đã ban sắc chỉ sai con cháu trong dòng tộc xây dựng nhà thờ quanh năm khói hương thờ phụng. Rất tiếc là những sắc phong, sắc chỉ này cùng một số đồ tế khí cổ được lưu giữ tại nhà thờ đã bị trận lũ năm 1960 cuốn trôi, chỉ còn lại bản tộc phả bằng chữ Hán, cùng một số đồ tế khí như: Long ngai bài vị, các câu đối, đại tự…
Hiện nay, nhà thờ Lê Đăng Ái đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 2260/QĐ-UB ngày 12 tháng 8 năm 2016 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", là sự ghi nhận và tri ân của Đảng và nhà nước ta nói chung, của đông đảo bà con nhân dân địa phương xã Đức Nhân và con cháu trong dòng tộc Lê Đăng nói riêng đối với những bậc tiên hiền đã có nhiều công lao cống hiến cho quê hương, đất nước. Qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lấy đó làm điểm tựa, là động lực tinh thần cho sự phát triển toàn diện của quê hương trong thời kỳ mới./.