Đồng chí Trần Phú. Ảnh: tư liệu |
Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, trong một nhà nho nghèo yêu nước, quê ở xã Việt Yên, nay là xã Tùng Ảnh (Đức Thọ). Tuổi thơ sớm phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả, mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới 6 tuổi. Với tư chất thông minh, tính kiên trì, quyết tâm vươn lên trong học tập, mùa hè năm 1922, Trần Phú (18 tuổi) thi đỗ đầu kỳ thi Thành chung do Trường Quốc học Huế tổ chức. Chịu ảnh hưởng bởi truyền thống cách mạng của quê hương và gia đình, rời ghế nhà trường, Trần Phú đã sớm chọn nghề dạy học và hiến thân cho lý tưởng cao đẹp là chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tháng 10/1930, tại Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư. Đồng chí đã có những đóng góp xuất sắc trong những ngày đầu thành lập Đảng, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam phát triển với những bước chuyển quan trọng.
Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Suốt 5 tháng bị địch giam cầm, tra tấn tàn ác, đồng chí vẫn luôn nêu cao tấm gương đấu tranh cách mạng; hàng ngày, tham gia bồi dưỡng lý luận chính trị và kinh nghiệm công tác cho các đồng chí tù chính trị. Những đòn thù dã man và cả sự mua chuộc của kẻ thù không khuất phục được ý chí của người cộng sản kiên trung, cuối cùng kẻ địch phải đưa đồng chí Trần Phú ra Tòa án Sài Gòn xét xử. Đồng chí hy sinh khi mới 27 tuổi, độ tuổi tràn đầy tài năng sáng tạo, cống hiến cho cách mạng.
Trước khi hy sinh, đồng chí Trần Phú đã nhắn nhủ các đồng chí của mình “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư Trần Phú đã trở thành vũ khí, phương châm, lý tưởng sống, ý chí quyết tâm phấn đấu, cống hiến của các thế hệ cán bộ, đảng viên và tuổi trẻ Việt Nam.
Mặc dù quãng đời hoạt động không dài nhưng đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng trong thời kỳ sôi động, quyết liệt nhất của những năm 1930-1931, là tấm gương chói lọi về “đạo đức cách mạng, chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”(1) như Bác Hồ kính yêu đã từng nói. Đó là tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp với ý chí, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Đó là chí khí, cốt cách, kiên trung của người cộng sản và là tấm gương vượt qua muôn vàn khó khăn của hoạt động bí mật và hoàn cảnh tù đày, say mê học tập lý luận Mác - Lênin, trở thành nhà lý luận mác-xít lỗi lạc của Đảng, kết hợp với thực tiễn, đề ra chiến lược, sách lược cho cách mạng nước ta.
Khu lưu niệm đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Ảnh: dulichhatinh.vn |
Tuổi trẻ ngày nay, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới quê hương, đất nước, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Song song với những giải pháp nhằm phát huy sức trẻ tham gia phát triển KT-XH, bảo vệ Tổ quốc, hỗ trợ thanh niên nỗ lực, phấn đấu để lập thân, lập nghiệp, thời gian qua, các cấp bộ đoàn ở tỉnh ta đã sáng tạo vận dụng lý luận, kết hợp với thực tiễn để tăng cường công tác giáo dục thanh thiếu nhi và đã tạo được sự chuyển biến tích cực.
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của BTV Tỉnh đoàn, các cấp bộ đoàn đã và đang tập trung triển khai Chỉ thị 01 của T.Ư Đoàn về “Tăng cường rèn luyện tác phong, lề lối công tác của cán bộ Đoàn”, đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cho thanh niên giai đoạn 2012-2020” và cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên trong thời kỳ mới” với các giá trị cốt lõi “tâm trong”, “trí sáng”, “hoài bão lớn”. Trong các cơ sở đoàn đã xuất hiện nhiều sáng kiến, cách làm hay nhằm tăng cường hiệu quả, thu hút đông đảo sự tham gia của đoàn viên, thanh thiếu niên.
Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, BTV Tỉnh đoàn triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong ĐVTN về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú; phát động các phong trào thi đua với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực; đây cũng là dịp quan trọng để tăng cường hiệu quả công tác giáo dục tuổi trẻ. Ngay từ những ngày cuối tháng 3, 20/20 huyện, thị, thành đoàn, đoàn trực thuộc đã đăng ký 189 hoạt động trọng tâm tháng 4, trong đó thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm với quê hương, đất nước, thể hiện sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn đối với đồng chí Trần Phú.
Tấm gương của đồng chí Trần Phú và những cán bộ cách mạng ưu tú, kiên cường như Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ… được Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi: “Các đồng chí ấy đã đem xương máu của mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”(2). Đó cũng là lời căn dặn của Người đối với thanh niên mà các thế hệ mai sau luôn ghi nhớ, noi theo.
--------------------
(1), (2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
HỒNG THỦY
Theo baohatinh.vn