Có những con người mà cuộc đời tuy ngắn ngủi, nhưng sáng chói như ánh sao băng trên bầu trời, sống mãi trong lòng người và trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau. Đồng chí Trần Phú -Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta là một con người như thế. Tổng Bí thư Trần Phú với "Lòng yêu nước, ánh sáng và tinh thần quốc tế"
Là một thanh niên trí thức giàu lòng yêu nước, ngay khi đang làm giáo viên Trường tiểu học Cao Xuân Dục (Vinh, Nghệ An), ngày 14-7-1925, đồng chí Trần Phú đã cùng một số thanh niên yêu nước lập ra Hội Phục Việt với tư tưởng phải làm cách mạng theo kiểu tư sản để giải phóng dân tộc, giải phóng cho những người dân bị áp bức. Trần Phú đã tham gia hoạt động bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, thể hiện là người có khả năng vượt trội về tổ chức, lãnh đạo, đặc biệt là năng lực tư duy chính trị. Tháng 7-1926, đồng chí được Hội (khi đó đổi tên thành Việt Nam Cách mạng Đảng) cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để bàn việc sáp nhập với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tại Quảng Châu, Trần Phú đã gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia vào lớp huấn luyện cán bộ (khóa 2) do Người trực tiếp giảng dạy. Khóa học đã trang bị cho đồng chí những kiến thức cơ bản về cách mạng vô sản và lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, để từ một thanh niên yêu nước, Trần Phú đã chuyển hẳn sang lập trường của giai cấp vô sản.
Sau khi kết thúc khóa học (tháng 10-1926), trở về nước, Trần Phú đã thuyết phục Ban lãnh đạo Việt Nam Cách mạng Đảng (tháng 7-1928 đã đổi tên thành Tân Việt cách mạng Đảng) đưa toàn bộ nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện, cách thức tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đem áp dụng vào hoạt động của tổ chức. Có thể nói, Trần Phú đã có công hướng tổ chức Tân Việt từ một tổ chức yêu nước đi theo con đường của cách mạng vô sản. Chính vì thế, Tân Việt cách mạng Đảng, (đến 1-1930, đổi thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn), trở thành một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những hoạt động tích cực của đồng chí trong Tân Việt và Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, là những đóng góp quan trọng trong quá trình vận động, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo giới thiệu của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú được cử đi học Trường đại học Phương Đông (Liên Xô). Đầu năm 1930, sau khi hoàn thành khóa học tại Trường đại học Phương Đông, Trần Phú trở về nước hoạt động. Trong thời gian này, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Do sự truy bắt của mật thám Pháp, Trần Phú vừa về đến Sài Gòn lại phải bí mật sang Hồng Công (Trung Quốc). Tại Hồng Công, đồng chí đã gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được sự giới thiệu của Người, tháng 4-1930 đồng chí Trần Phú trở về nước và tháng 7-1930 được cử bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời của Đảng, đồng thời tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất. Trong thời gian này, Trần Phú đã hoàn thành bản Luận cương chính trị và được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 10-1930).
Nội dung chủ yếu của Luận cương chính trị trình bày những vấn đề cơ bản về chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam. Trong Luận cương chính trị, mục tiêu đi tới chủ nghĩa cộng sản được nêu rõ, sau khi hoàn thành cách mạng tư sản dân quyền: "Xứ Đông Dương sẽ nhờ vô sản giai cấp chuyên chánh các nước giúp sức cho mà phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa" (1) .
Luận cương chính trị chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa cuộc đấu tranh chống phong kiến và chống đế quốc, giữa hai mục tiêu - dân chủ "thổ địa cách mạng" và dân tộc "Đông Dương hoàn toàn độc lập" để đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là luận điểm xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng, thể hiện tính nhất quán về con đường, mục tiêu cách mạng của Đảng từ khi thành lập đến nay. Những luận điểm đó đã khẳng định tính đúng đắn ngay từ đầu trong đường lối cách mạng của Đảng - đó là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thành công của Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, đã đánh dấu sự trưởng thành về nhiều mặt của Đảng. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm bảy người, do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư. Đồng thời, Hội nghị ra Quyết định thành lập cấp bộ Xứ ủy - là cơ quan lãnh đạo trực tiếp của Đảng ở mỗi miền (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ).
Sau Hội nghị tháng 10-1930, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trần Phú đã nghiên cứu, xem xét tình hình thực tiễn và đã có nhiều quyết định quan trọng. Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh; thành lập các tổ chức Nông hội, Đoàn thanh niên cộng sản, Hội phụ nữ, Hội cứu tế đỏ, v.v.. Đây là sự thay đổi quan trọng trong quan điểm của Đảng về vấn đề lực lượng cách mạng, nhằm đoàn kết, tập hợp một cách rộng rãi tất cả các tầng lớp nhân dân, huy động mọi lực lượng tham gia cách mạng giải phóng dân tộc.
Tháng 12-1930, đồng chí Trần Phú và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xuất bản báo Cờ đỏ và Tạp chí Cộng sản, đồng thời lập Ban tuyên truyền do một Ủy viên Thường vụ Trung ương phụ trách. Nhờ có sự điều chỉnh kịp thời về mặt chủ trương, đường lối, quan điểm, Đảng ta đã từng bước khắc phục những sai lầm "tả khuynh", cô độc, hẹp hòi, để lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển đúng hướng.
Ngày 18-4-1931, Tổng Bí thư Trần Phú sa lưới kẻ thù. Bất chấp mọi thủ đoạn tra tấn tàn bạo và dụ dỗ của kẻ thù, Tổng Bí thư Trần Phú không hề khuất phục. Đồng chí thừa nhận mình là Tổng Bí thư của Đảng, nhưng nói rõ: "Ta không thể đem công việc của Đảng ta nói cho các người nghe". Đòn roi tra tấn của bọn đao phủ, sự tàn bạo của chế độ nhà tù đế quốc đã làm sức khỏe của đồng chí Trần Phú suy kiệt, bệnh cũ tái phát, đồng chí đã hy sinh ngày 6-9-1931 tại Nhà thương Chợ Quán - Sài Gòn. Trước lúc hy sinh, lời nhắn gửi cuối cùng của đồng chí là: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!". Lời nhắn gửi ấy đã thật sự trở thành một khẩu hiệu cách mạng, một mệnh lệnh chiến đấu, động viên, khích lệ lớp lớp đảng viên, đồng bào, đồng chí giữ vững niềm tin, siết chặt đội ngũ, vượt qua khó khăn, gian khổ và khốc liệt, kiên quyết tranh đấu đến thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
Ngay sau ngày đồng chí hy sinh, một bài viết đăng trên Tạp chí Quốc tế cộng sản đã ca ngợi: "Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương... Chỉ có thắng lợi cuối cùng của chúng ta đối với kẻ thù giai cấp mới có thể trả thù được cho cái chết anh hùng của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú và hàng chục ngàn chiến sĩ khác đã ngã xuống như Trần Phú trong cuộc đấu tranh bền bỉ để bảo vệ sự nghiệp vĩ đại của cách mạng thế giới".
Anh dũng hy sinh khi mới 27 tuổi đời, gần một năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, nhưng những cống hiến của đồng chí cho Đảng, cho dân tộc ta vô cùng to lớn. Đảng ta khẳng định: "Cuộc đời và hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú tuy ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của Trần Phú là hết sức to lớn. Sau Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tổng Bí thư Trần Phú đã góp phần rất quan trọng xây dựng nền móng ban đầu về tư tưởng, chính trị và tổ chức của Đảng ta" (2) .
Tám mươi tám năm đã trôi qua, kể từ ngày Tổng Bí thư Trần Phú vĩnh biệt chúng ta, nhưng những ký ức về cuộc đấu tranh hào hùng, oanh liệt của những người cộng sản trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, không bao giờ nhạt phai trong trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Đồng chí Trần Phú -Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã trở thành biểu tượng của lòng kiên trung bất khuất và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Tinh thần xả thân vì đất nước, vì nhân dân và tấm gương đạo đức sáng ngời của đồng chí Trần Phú mãi mãi soi sáng cho các thế hệ người Việt Nam tiếp bước trên con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mang lại mạnh giàu cho đất nước, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
GS, TS TẠ NGỌC TẤN
Ủy viên T.Ư Đảng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, sđd, tr. 94.
(2) Lời Điếu của BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam trong lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú. Tư liệu đã dẫn.