thông báo

video

hình ảnh

liên kết website

số lần truy cập

Thứ tư, 11/ 9/ 2024 “Các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ…đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí đó đã vui vẻ hy sinh hết thảy

Gìn giữ và phát huy những giá trị Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú

26 - 03 - 2024

Tác giả: Lê Doãn Thắng - Trưởng Ban quản lý di tích Trần Phú

Đồng chí Trần Phú  (1904 – 1931), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, một người con ưu tú của quê hương Tùng Ảnh – Đức Thọ. Người chiến sỹ Cộng sản kiên trung, bất khuất, đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp độc lập và giải phóng dân tộc. Cuộc đời, sự nghiệp và ý chí cách mạng của đồng chí Trần Phú còn vang vọng mãi đến hôm nay và mai sau.

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/ 05/ 1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nguyên quán xã Việt Yên (nay là xã Tùng Ảnh) huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nhà nho. Ông nội của đồng chí Trần Phú là cụ Trần Viết Tiến, sinh năm Ất Mùi (1835) đậu hai khoa Tú tài năm Đinh Mão và Canh Ngọ, được sung chức Hậu bổ tỉnh Quãng Ngãi. Thân phụ là ông Trần văn Phổ sinh năm Ất Sửu (1865), đậu Tú tài khoa Nhâm Ngọ đời vua Tự Đức (1882), đậu Giải nguyên khoa Đinh Dậu đời vua Thành Thái (1897), được bổ làm tri huyện Đức Phổ tỉnh Quãng Ngãi.

Ngã ba Tam Soa, một trong những thắng cảnh trên quê hương Trần Phú (Ảnh: Nguyễn Hồng Luyến)

 

Thân mẫu Trần Phú là bà Hoàng Thị Cát, con Chánh bát phẩm Hoàng Đức Triêm ở xã Châu Dương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát sinh hạ được 8 người con, Trần Phú là con thứ 7, có hai người mất sớm là bà Trần Thị Chít và ông Trần Văn Cương. Các người con còn lại có nhiều người đỗ đạt và có tư tưởng yêu nước chống Pháp, tiêu biểu là: Trần Dương, anh trai Trần Phú, sinh năm Mậu Tuất (1898), giữ chức Phán sự Hàn lâm thị giảng. Em trai Trần Ngọc Danh, sinh năm Mậu Thân (1908), hoạt động cách mạng từ những năm 1930 – 1931, từng là Xứ ủy viên Nam Kỳ, bị Pháp kết án khổ sai chung thân, đại biểu Quốc hội khóa I. Năm 1946, ông tham dự hội nghị Phôngtennơblô và được cử làm Trưởng phái đoàn đại diện chính phủ Việt Nam tại Pháp đến năm 1949”[1]. Năm 1951, ông về chiến khu Việt Bắc phụ trách Nhà xuất bản sự thật (nay là Nhà xuất bản chính trị Quốc gia) và mất tại đây vào năm Nhâm Dần (1952).

Sau khi đỗ Giải nguyên, ông Trần Văn Phổ được bổ làm Giáo thụ huyện Đức Thọ. Năm 1901, ông được điều chuyển vào làm Giáo thụ huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên mang theo cả gia đình và đồng chí Trần Phú được sinh ra tại đây (thôn An Thổ, xã An Dân). Đầu năm 1907, triều đình Huế lại bổ nhiệm ông Phổ làm Tri huyện Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi. Khi Tri huyện Trần Văn Phổ nhận được lệnh của Khâm sứ Trung Kỳ và Nam Triều phải ra tay đàn áp những người xin xâu, kháng thuế. Là một nhà nho có nhân cách, có chí khí lại làm quan trong bối cảnh nước mất nhà tan, ông Phổ cảm thấy bất lực, bế tắc không lối thoát nên đã tuẫn tiết nơi huyện đường vào đêm 19 tháng 4 năm 1908.

Di tích thành An Thổ  (Ảnh: Phan Y Thao)

 Sau khi cụ Phổ mất, gia đình đồng chí Trần Phú lâm vào cảnh khốn cùng, thực dân Pháp và Nam Triều đã đuổi cả gia đình ra khỏi huyện đường. Bà Cát mang theo 6 người con bồng bế, dắt díu nhau đi về phía Tây thành Quãng Ngãi mở một ngôi hàng nước nhỏ để kiếm sống. Vì quá vất vả và buồn phiền, bà Cát đã qua đời vào ngày 27/11/1910. “Khi cha mẹ mất, gia đình có 6 anh em (4 trai, 2 gái). Khi đó không có tài sản gì, không có sự giúp đỡ của người khác. Các anh trai, chị gái tôi đi kiếm ăn sinh sống ở mọi nơi. Vì còn nhỏ không có khả năng tự kiếm sống, nên tôi và em trai tôi được chị gái là một nữ hộ sinh làm việc tại bệnh viện Huế (An Nam) nuôi nấng. Mặc dù tiền lương của chị rất ít ỏi, thậm chí cùng cực, nhưng do kiếm thêm việc làm ở thành phố và với sự hy sinh hết mình, chị đã lo lắng và chăm sóc, tạo điều kiện cho tôi được theo học tại trường tiểu học 4 năm[2].

Mùa thu 1918, đồng chí Trần Phú bước chân vào trường Quốc học Huế. Tại đây, nơi chốn kinh kỳ, hàng ngày được chứng kiến cuộc sống vất vả của giới cần lao và nhân dân lao động, sự áp bức, bóc lột và đàn áp của thực dân phong kiến đối với quần chúng lao khổ. Trong thời gian này, ảnh hưởng của các phong trào chống sưu cao thuế nặng ở Trung Kỳ, phong trào Duy Tân, cuộc khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân năm 1916…cùng với những biến động của xã hội, lại được kết giao cùng những người cùng chí hướng và sớm bộc lộ tinh thần yêu nước như Hà Huy Tập, Trần Đình Thanh (Trần Mộng Bạch) đã tác động nhiều đến tư tưởng, tinh thần yêu nước của đồng chí Trần Phú. Đồng chí đã tham gia vào hội Thanh niên tu tấn, mà tôn chỉ của hội bên cạnh việc giúp nhau học tập còn là nơi trao đổi về tình hình đất nước, những trào lưu cách mạng và xã hội thời bấy giờ.

Trường Quốc học Huế  (Ảnh tư liệu nhà trưng bày lưu niệm)

“Tháng 9/1922  sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung, đồng chí Trần Phú được bổ làm giáo học, dạy lớp nhất Trường tiểu học Cao Xuân Dục (thành Vinh Nghệ An)”[3].Thành Vinh lúc này là một trong những lò lửa cách mạng, có truyền thống yêu nước và cũng là nơi có phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân khá sớm. Tại đây có dịp gần gũi với người dân lao động, trí thức yêu nước, đồng chí Trần Phú đã cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Trần Đình Thanh, Phan Kiêm Huy, Ngô Đức Diễn, Trần Tăng Lập lập nhóm đọc sách, báo bí mật được Nguyễn Ái Quốc và các cộng sự của Người chuyển từ Pháp về. Đồng chí và các bạn đã nhận thấy đó chính là nguồn ánh sáng mới. Nhóm đọc sách còn tổ chức lớp dạy chữ quốc ngữ cho công nhân, nhân dân lao động, đứng ra tổ chức lễ truy điệu những người yêu nước và các hoạt động đấu tranh khác. Phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân đã lôi cuốn đồng chí. Phong trào ngày càng cao lên đã dẫn đến một sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng ở Vinh. Mùa hè năm 1925, tại núi Con Mèo (Bến Thuỷ) đồng chí Trần Phú và một số  nhà cách mạng Trung Kỳ đã họp và tuyên bố thành lập hội Phục Việt (là một tổ chức giao thời của một số người thuộc hai nhóm: Chính trị phạm củ và giáo viên, sinh viên tiến bộ). Tôn chỉ hoạt động của hội ban đầu chỉ giản đơn là: “Nghiên cứu tình hình chính trị trong nước để quyết định nên bạo động hay hòa bình; tìm cách liên lạc với các nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở Trung Quốc và Xiêm xem chủ trương của họ thế nào; tuyển mộ thêm đồng chí mới”[4]. Từ năm 1926, đồng chí Trần Phú trở thành một trong những người lãnh đạo hội Phục Việt.

Trường tiểu học Cao Xuân Dục  (Ảnh: Phạm Xuân Cần)

           Hoạt động của Phục Việt là dạy chữ quốc ngữ cho công nhân và nhân dân lao động ở Vinh, hội còn dấy lên tinh thần yêu nước của nhân dân địa phương. Vào khoảng tháng 9/1925, đồng chí nhận nhiệm vụ của hội Phục Việt (lúc này đổi tên thành hội Hưng Nam) sang Lào vận động cách mạng ở Pạc Hin Bun. Tại đây, đồng chí đã có dịp đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống cơ cực của những người công nhân mỏ. Chuyến đi này đã giúp đồng chí có thêm những hiểu biết về tình hình thực tế ở Lào, để sau này giúp Đảng đề ra những đường lối thích hợp cho cách mạng toàn Đông Dương.

Tháng 6/1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế Cộng sản lần thứ V, sau đó Người giữ trọng trách Uỷ viên Đông Phương bộ phụ trách cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III), rồi về hoạt động ở Trung Quốc. Trong thời gian ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Châu và đến tháng 6/1925 xây dựng tổ chức Tâm tâm xã thành đảng Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu. “Được tin ấy, ban lãnh đạo Hội phục Việt sau khi đổi tên thành Hội hưng Nam, Việt Nam cách mạng đảng (về sau đổi thành Tân Việt cách mạng đảng và Đông Dương cộng sản liên đoàn) liền cử một đoàn đại biểu do đồng chí Trần Phú phụ trách sang Quảng Châu tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để đề nghị hợp nhất các tổ chức cách mạng đảng ở trong và ngoài nước. Giữa năm 1926, đồng chí Trần Phú và một số hội viên của hội Phục Việt đã đến Quảng Châu”[5]. Tại đây, đồng chí Trần Phú và các bạn được tham dự lớp huấn luyện chính trị (khóa 2) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bí danh Lý Thụy) tổ chức. Lúc này đồng chí Trần Phú mang bí danh Lý Quý. “Giảng viên của lớp, bên cạnh Nguyễn Ái Quốc còn có các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Bôrôđin. Nội dung cơ bản của chương trình là những  kiến thức cơ bản về chủ nghĩa  Mác – Lê  Nin, cách mạng tháng 10 Nga, Quốc tế cộng sản, về con đường cách mạng Việt Nam…đã giúp cho đồng chí Trần Phú và các bạn hiểu thêm về tình hình thế giới, trong nước, nâng cao nhận thức cách mạng”[6]. Tháng 10 năm 1926 sau khi kết thúc khóa học, đồng chí Trần Phú được gia nhập hội Việt Nam cách mạng thanh niên và được kết nạp vào Cộng sản đoàn, hạt nhân của Đảng cộng sản trong tương lai. Đồng thời được Tổng bộ phân công về hoạt động tại Trung Kỳ để xây dựng và phát triển cơ sở hội cùng với Nguyễn Ngọc Ba.

          Cuối năm 1926, đồng chí Trần Phú về đến Vinh. Tại đây, đồng chí đã tích cực tuyên truyền những quan điểm, đường lối của Nguyễn Ái Quốc và hội Thanh niên, ra sức vận động cho việc hợp nhất với hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Trước sự truy lùng, bắt bớ gắt gao của địch, hội Hưng Nam đã quyết định cử đồng chí Trần Phú trở lại Quảng Châu. “Đầu năm 1927, đồng chí Trần Phú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học tại trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản và được cử làm Bí thư chi bộ nhóm Cộng sản Việt Nam tại trường”[7]. Lúc này, đồng chí lấy bí danh là Likvây. Bấy giờ tình hình Liên Xô và phong trào Cộng sản quốc tế đang có những biến chuyển mạnh mẽ. Chủ nghĩa tư bản đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế sau chiến tranh, khoa học kỷ thuật và công nghiệp sản xuất phát triển mạnh, sự phát triển của giai cấp công nhân và phong trào đấu tranh đòi giải phóng dân tộc lan rộng trên khắp thế giới. “Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô được củng cố và phát triển toàn diện, trở thành ngọn cờ đầu của phong trào cách mạng trên toàn thế giới”[8]. Trong thời gian này, “Đại hội lần thứ VI của Quốc tế cộng sản diễn ra từ ngày 17/7 – 1/9/1928 tại Liên Xô đã thông qua nhiều Nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng: Ban hành tuyên ngôn của Đại hội; Luận cương về tình hình quốc tế và nhiệm vụ của Quốc tế cộng sản; Nghị quyết của Ban chấp hành; Nghị quyết của Quốc tế thanh niên cộng sản; Cương lĩnh và Điều lệ của Quốc tế cộng sản” [9]…đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức cách mạng của đồng chí Trần Phú.

Trường Đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va  (Ảnh tư liệu nhà lưu niệm)

 

Đầu năm 1930, sau khi tốt nghiệp đồng chí Trần Phú bí mật từ Matxcơva qua Đức, Bỉ, Pháp và về tới Sài Gòn vào ngày 8/2/1930, mang theo kiến thức của một nhà lý luận có tài. Lúc này ở trong nước, toà án Nam Triều đã xử vắng mặt đồng chí cùng một lần với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí khác trong phiên toà ngày 10/10/1929 tại Nghệ An. “Tiếp đó trong Công điện ngày 11/10/1929 của Công sứ Vinh gửi cho khâm sứ Trung Kỳ ở Huế (Điện ưu tiên tuyệt đối, số 1241-cs) báo cáo: Trần Văn Phú bị án tử hình vắng mặt cùng với Lê Duy Điếm, Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Ái Quốc”[10]

Sài Gòn ít ngày đồng chí sang Hồng Kông và tại đây một lần nữa, đồng chí được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Được Người thông báo về quá trình tổ chức và kết quả của Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản, sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam cùng với các văn kiện: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt. Tháng 4/1930, đồng chí Trần Phú (lúc này lấy bí danh là Năm) rời Hồng Kông về Hải Phòng rồi đáp xe lửa lên Hà Nội. Tới Hà Nội, đồng chí đề nghị với Đảng cho đi khảo sát tình hình thực tế ở một số địa phương. Đồng chí xuống Nam Định làm việc với chi bộ nhà máy sợi Nam Định, sau đó sang Thái Bình, Hải Phòng và khu mỏ Hòn Gai. Đây là những địa phương có lực lượng công nhân lớn mà đồng chí Trần Phú muốn thâm nhập thực tế để tìm hiểu về tình cảnh của người dân, nhất là lực lượng công nhân, về tinh thần giác ngộ cách mạng, tìm hiểu về tổ chức và hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng. Đến đâu, đồng chí Trần Phú củng đóng góp những ý kiến rất thiết thực cụ thể; trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo địa phương về cách thức tổ chức vận động quần chúng; mục tiêu, phương pháp đấu tranh, nhất là công tác tổ chức xây dựng lực lượng mà tổ chức cơ sở Đảng là nòng cốt. Đầu tháng 7/1930 đồng chí từ Hòn Gai về tới Hà Nội, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời, đồng thời được phân công dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Đồng chí đã bí mật trú ngụ tại nhà số nhà 4, phố Hàng Rươi sau chuyển đến tầng hầm nhà số 90 Hàng Bông Nhuộm (nguyên là nhà Đuy Ô, công chức cao cấp người Pháp làm thanh tra tài chính thuộc phủ Toàn quyền Đông Dương). Tại đây đồng chí Trần Phú đã khởi thảo bản Luận cương chính trị nổi tiếng của Đảng. Luận cương đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) tháng 10/1930. Tham dự Hội nghị gồm có các đồng chí: Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Lê Mao (tức Cát), Nguyễn Trọng Nhạ (tức Sáu), Ngô Đức Trì (tức Vân). Luận cương là sự bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh “Chính cương vắn tắt” và “Sách lược vắn tắt” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thông qua trong hội nghị thành lập Đảng tháng 2/1930. Hội nghị đã nhất trí đổi tên Đảng thành Đảng cộng sản Đông Dương và đồng chí Trần Phú chính thức được bầu làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. Bên cạnh đó, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương tháng 10/1930 còn thảo luận và ban hành nhiều Án nghị quyết như: Nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng; về Điều lệ Đảng; Điều lệ của các tổ chức quần chúng như Công hội, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, Hội đồng minh phản đế, Hội cứu tế đỏ…Những đường lối cơ bản của Luận cương cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Thực tiễn đấu tranh cách mạng hơn 90 năm qua, ngày càng chứng minh rõ ràng hơn công lao sáng tạo vĩ đại của đồng chí Trần Phú đã cống hiến cho cách mạng Việt Nam.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, đồng chí Trần Phú và Ban chấp hành Trung ương đã quyết định đặt các cơ quan Trung ương của Đảng tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Cuối tháng 11, đồng chí rời Hương Cảng về tới Sài Gòn, lúc này Sài Gòn đang bị địch khủng bố trắng, nhiều cơ sở Đảng bị lộ, nhiều chiến sỹ cộng sản bị địch bắt và hy sinh. Tại đây đồng chí Trần Phú đã góp phần quan trọng trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng những tháng cuối năm 1930 đầu năm 1931. Đồng chí Trần Phú và Ban chấp hành Trung ương đã bám sát tình hình của phong trào, để ra các chủ trương, đường lối phù hợp với thực tiễn cách mạng; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng các cấp từ Trung ương tới các xứ ủy, tỉnh ủy, huyện ủy và chi bộ cơ sở; xuất bản báo Cờ vô sản, Tạp chí cộng sản và các bản báo chí của các xứ ủy…Nhờ đó, trong điều kiện bị kẻ thù khủng bố, đàn áp gắt gao trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nhưng các xứ ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ đã được thành lập và từng bước lớn mạnh. Số đảng viên là công nhân tại các cơ sở công nghiệp, đồn điền, mỏ khai thác và ở các địa phương tăng lên đáng kể. “Nếu như khi mới thành lập, toàn Đảng chỉ có khoảng 30 chi bộ với hơn 200 đảng viên thì đến tháng 3/1931, số đảng viên đã lên tới 2400 đồng chí hoạt động trong 250 chi bộ, tổ chức cơ sở Đảng”[11].

Trước những biến động của tình hình thế giới, cách mạng Đông Dương, cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này trở nên tạm lắng bởi sự khủng bố, bắt bớ ngày càng quyết liệt, gắt gao của thực dân Pháp. Cuối tháng 3 năm 1931, tại số nhà 236, một cơ sở Đảng trên đường Risô (Richaud, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh). Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương đã được khai mạc dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tức Thịnh), Nguyễn Trọng Nhã (tức Nhật, Nghĩa), Trần Văn Lan (tức Giáp), Lê Mao (tức Cát)… và một số đồng chí lãnh đạo trong xứ ủy Nam Kỳ. Hội nghị đã nghiêm túc rút ra những kinh nghiệm trong đấu tranh (kể cả những sai lầm nóng vội trong công tác vận động quần chúng), đồng thời đề ra nhiệm vụ cần kíp phải thực hiện về công tác tổ chức của Đảng và công tác lãnh đạo quần chúng. Ban hành các Nghị quyết về Nhiệm vụ hiện tại của Đảng, Nghị quyết về Vấn đề tổ chức và Nghị quyết về Vấn đề cổ động tuyên truyền.

Từ Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (10/1930) đến Hội nghị Trung ương lần thứ hai (3/1931), đồng chí Trần Phú và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng tổ chức Đảng, các tổ chức, đoàn thể cách mạng quần chúng;  giữ vững đường lối chính trị đúng đắn, không ngừng quan tâm bồi dưỡng quan điểm vô sản; đảm bảo Đảng vững mạnh về tổ chức, đoàn thể, lãnh đạo cách mạng vượt qua thời kỳ đầy khó khăn thử thách.

Vào sáng ngày 18/4/1931 do sự khủng bố ráo riết của địch, đồng chí Trần Phú đã bị bắt tại số nhà 66 đường Sămpanhơ (đây là cơ quan ấn loát của Đảng). Thực dân Pháp đã giam giữ đồng chí ở bót Pôlô rồi bót Catina. Sau những lần hỏi cung không mang lại kết quả, chúng đã đưa đồng chí về Khám Lớn để chờ ngày xét xử. Sống ở nơi tù ngục đoạ đày, sức khoẻ của đồng chí ngày càng sa sút, bệnh tràng nhạc tái phát và bệnh viêm phổi ngày một thêm trầm trọng. Tới tháng 8/1931 thì sức khoẻ của đồng chí bị yếu hẳn, cai ngục đành phải đưa đồng chí vào nhà thương Chợ Quán (nay là Trung tâm bệnh nhiệt đới, số 190 Bến Hàm Tử, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh) để chữa trị. Sáng ngày 6/9/1931 đồng chí Trần Phú đã vĩnh biệt đồng bào đồng chí thân yêu trên tay những người đồng đội để lại cho toàn Đảng, toàn dân một tấm gương ngời sáng với lời trăng trối cuối cùng “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”[12]. Khẳng định công lao và tấm gương hy sinh vì Đảng, vì dân của đồng chí Trần Phú và các bậc tiên liệt cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập[13].

Khám lớn Sài Gòn những năm 1930  (Ảnh tư liệu nhà lưu niệm)

 

Với những cống hiến lớn lao của mình, 26 tuổi đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú đã được tín nhiệm bầu giữ trọng trách cao nhất của Đảng, 27 tuổi hy sinh. Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đồng chí Trần Phú đã trở thành một người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố tổ chức Đảng, xây dựng các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo phong trào cách mạng những tháng cuối năm 1930 đầu năm 1931.

Quê hương đồng chí Trần Phú, mãnh đất địa linh nhân kiệt mãi mãi tự hào với người con ưu tú của quê hương, người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp độc lập và giải phóng dân tộc - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta.

Hiện nay, trên quê hương đồng chí đang gìn giữ và bảo tồn khu di tích lưu niệm đồng chí Trần Phú. Đất mẹ quê hương củng đã ôm trọn hình hài người con ưu tú cùng hai cụ thân sinh và người em đồng chí trên đồi Quần Hội, trước bến Tam Soa.

Khu lưu niệm đồng chí Trần Phú nằm cạnh con đê La Giang bên dòng sông La hiền hòa, giữa một vùng dân cư đông đúc, thuộc thôn Châu Tùng, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Khu di tích có nhà thờ và nhà trưng bày lưu niệm.

Toàn cảnh khu lưu niệm đồng chí Trần Phú  (Ảnh: Nguyễn Hồng Luyến)

Nhà thờ, nguyên là nhà dân dụng được ông Trần Viết Tân (cố nội đồng chí Trần Phú) dựng nên vào năm Nhâm Tuất (1862). Sau khi ông Tân qua đời, ngôi nhà được ông Trần Viết Tiến kế tự. Khi ông Tiến mất, ngôi nhà được ông Trần Văn Phổ thân sinh đồng chí Trần Phú thừa hưởng. Đầu năm 1901 khi ông Phổ mang theo cả gia đình vào huyện Tuy An (Phú Yên) làm Giáo thụ thì ngôi nhà được ông Đồ Cầu (chú ruột của đồng chí Trần Phú) sử dụng. Cho đến khoảng đầu những năm 1930, ông Đồ Cầu hiến tặng ngôi nhà này cho dòng họ và từ đó tới nay ngôi nhà trở thành nhà thờ tiểu chi họ Trần. Chính trong ngôi nhà này trong thời gian đồng chí Trần Phú học tại trường Quốc học Huế (1918 - 1922), đồng chí đã có nhiều lần về thăm nhà để dạy kèm cho người em trai mình và hai người em ruột của chị dâu là Nguyễn Vọng và Nguyễn Kính. Trong thời gian đồng chí Trần Phú dạy học ở trường Cao Xuân Dục, thành Vinh (1922 - 1925). Lúc này đồng chí Trần Ngọc Danh đang theo học tại Trường Quốc học Vinh. Hai anh em đồng chí thường ghé về thăm nhà vào những dịp lễ, tết các kỳ nghỉ hè. Cuối năm 1925, sau thời gian hoạt động tại Pạc Hin Bun (Lào), đồng chí Trần Phú mắc bệnh sốt rét nên có về quê nhà dưỡng bệnh một thời gian.

Ngôi nhà đã gắn bó một phần tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành của đồng chí Trần Phú. Quê hương và mảnh đất Tùng Ảnh, La Giang – Đức Thọ qua tiếng ru của mẹ, lời kể của cha đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cốt cách, hun đúc, bồi đắp cho đồng chí tinh thần yêu nước thương dân, căm thù giặc Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.

Năm 1977, ngôi nhà được Bảo tàng Nghệ Tĩnh đưa vào danh mục quản lý, đồng thời cử cán bộ về bảo vệ, trông coi và phát huy các giá trị di tích. Ngôi nhà trở thành di tích gốc lưu niệm đồng chí Trần Phú, nơi thờ tự vong linh đồng chí và vong linh tiên tổ họ Trần.

Bên cạnh nhà thờ tiểu chi là nhà trưng bày lưu niệm đồng chí Trần Phú. Đây là nơi bảo lưu, gìn giữ và trưng bày những tài liệu hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp đồng chí. Nhà thờ cùng với các tài liệu hiện vật được trưng bày ở đây đã giúp cho đông đảo khách tham quan có thêm những hiểu biết về thân thế, sự nghiệp, những công lao cống hiến và đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú cho Đảng và cách mạng Việt Nam; ý chí  bất khuất, quật cường trước kẻ thù, sự hy sinh cao cả của đồng chí Trần Phú cho sự nghiệp độc lập và giải phóng dân tộc.

Khu mộ đồng chí Trần Phú nằm về hướng Tây – Bắc, trên lưng chừng ngọn đồi Quần Hội trước bến Tam Soa, thuộc thôn Châu Linh xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ.

Khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú  (Ảnh: Nguyễn Hồng Luyến)

Đây là một vùng đất “Sơn kỳ thủy tú” Tam Soa – Linh Cảm một danh thắng nổi tiếng, nơi hội tụ của hai dòng Ngàn Sâu, Ngàn Phố tạo thành sông La, cạnh là ngọn Tùng Lĩnh hàng thông soi bóng. Bên kia dòng sông về phía Tây Bắc là dãy Thiên Nhẫn nơi có thành Lục Niên nổi tiếng trong kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi. Phía Tây Nam là dãy núi Giăng Màn với ngọn Mồng Gà. Các núi này như một bức bình phong làm tiền án cho khu mộ, cùng với các dòng sông tạo nên một khung cảnh đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ. Đây củng là một điểm thu hút đông đảo du khách khi về dâng hương tưởng niệm, tri ân Tổng Bí thư Trần Phú gắn với núi sông thấm đẫm hồn quê Việt.

Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã đi xa, nhưng Đảng ta, nhân dân ta luôn tưởng nhớ đến một người chiến sỹ cộng sản kiên trung bất khuất, suốt đời chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp độc lập và giải phóng dân tộc. Ngay sau khi đồng chí Trần Phú hy sinh, trước những mất mát to lớn đó trong điều kiện bị kiểm duyệt ngặt nghèo, nhiều tờ báo đã đưa tin về sự hy sinh anh dũng của đồng chí Trần Phú như báo Tin tức, báo Dân chúng. Hội cứu tế đỏ của Quốc tế cộng sản in hình đồng chí trên Bích chương của hội. Tạp chí Quốc tế Cộng sản từng ca ngợi: “Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẻ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người Cộng sản”[14]. Tiếc thương người đồng chí, anh em tù chính trị phạm tại Khám lớn Sài Gòn đã làm bài thơ tiễn biệt đầy xúc động:

                   Trần Phú anh ơi đã thác rồi

                   Thác mà như thế đẹp gương soi

Bao phen sóng gió đâu sờn dạ

                   Mấy trận đòn tra chẳng hở môi

                   Tuy anh đã thác gương còn sáng

                   Thác được như anh sáng suốt đời.

Hiện nay, rất nhiều cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, công ty, trường học, các con đường đô thị và địa danh mang tên đồng chí Trần Phú. Các lễ kỷ niệm ngày sinh, nhất là vào các năm chẵn của đồng chí Trần Phú đều được Đảng, nhà nước và Đảng bộ nhân dân Hà Tĩnh đứng ra tổ chức hội thảo khoa học, dâng hương tưởng niệm long trọng với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đánh dấu sự ghi nhận những công lao cống hiến to lớn của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Từ năm 1977 đến năm 2002, Khu di tích lưu niệm đồng chí Trần Phú là một bộ phận của Bảo tàng Nghệ Tĩnh, rồi Bảo tàng Hà Tĩnh (Từ năm 1991). Có chức năng, nhiệm vụ chính là bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị ý nghĩa của khu di tích thông qua nhà thờ tiểu chi họ Trần và nhà trưng bày lưu niệm đồng chí Trần Phú. Năm 1999, sau khi  tìm thấy và đưa hài cốt đồng chí Trần Phú từ thành phố Hồ Chí Minh về an táng tại quê hương đồng chí, trên đồi Quần Hội xã Tùng Ảnh. Ngày 14/6/2002, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 1315/QĐ-UB-TC về việc thành lập Ban quản lý di tích Trần Phú.

Từ khi thành lập đến nay, với tư cách là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì công tác bảo tồn, tôn tạo, quản lý và phát huy các giá trị của di tích luôn được thực hiện tốt.

Tổ chức bộ máy cơ quan đã từng bước ổn định, cán bộ nhân viên đoàn kết và có trách nhiệm cao trong công việc. Công tác chuyên môn nghiệp vụ từng bước được nâng lên. Hoạt động dẫn lễ dâng hương được tổ chức trang nghiêm, chu đáo, việc hướng dẫn khách tham quan ngày càng chuyên nghiệp, đi vào nề nếp. Bình quân mỗi năm, tại hai địa điểm của di tích đơn vị đã đón tiếp, phục vụ hàng vạn lượt khách tham quan, thăm viếng. Trong đó có nhiều đoàn là các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các bộ, ban ngành đoàn thể Trung ương và nhiều đoàn khách quốc tế.

Ngay từ khi mới được thành lập, trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực nhưng Ban quản lý di tích đã thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích. Để di tích dần trở thành một điểm tham quan, thăm viếng quan trọng của tỉnh nhà cùng với các di tích tiêu biểu khác như khu di tích lưu niệm Nguyễn Du, Đồng Lộc và Hà Huy Tập.

Công tác bảo tồn được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm để bảo lưu, gìn giữ những giá trị nguyên gốc của di tích, đó là nhà thờ tiểu chi họ Trần. Một ngôi nhà được làm từ các cấu kiện gỗ, theo lối nhà kẻ, 3 gian 2 hồi, mái lợp ngói vảy cùng với nhiều đồ tế khí được truyền lại. Trong không gian này đồng chí Trần Phú đã có những tháng ngày ăn, ở sinh hoạt cùng người thân, thăm thú bà con lối xóm, để rồi vào những chiều hè men theo lối đi sau nhà hòa mình xuống dòng sông La tắm mát cùng mọi người trong thôn tại bến ông Đồ Cầu.

Các tài liệu, hiện vật được trưng bày tại nhà lưu niệm có nhiều hiện vật gốc có giá trị như chiếc rương gỗ của đồng chí Trần Phú sử dụng trong thời gian dạy học ở Vinh (1922 – 1925), cuốn Trần tộc phả ký (gia phả họ Trần), Con dấu hội Hưng Nam, bộ quần áo của đồng chí Trần Phú sử dụng trong thời gian hoạt động tại Hà Nội…ngoài việc thường xuyên được gìn giữ sạch sẽ. Đơn vị thường xuyên sử dụng các biện pháp lý hóa, đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm, chống nấm mốc mối mọt… để gìn giữ hiện vật, tránh những tác nhân gây hại.  

Thông qua nhà thờ tiểu chi họ Trần, nhà trưng bày lưu niệm và khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú. Đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần và ý chí cách mạng của đồng chí Trần Phú một cách sâu rộng trong đời sống xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Công tác thuyết minh, hướng dẫn viên tại điểm, nhất là việc dẫn lễ dâng hương tại khu mộ được đặc biệt chú trọng. Công tác sưu tầm, trưng bày và chỉnh lý được tiến hành thường xuyên nhằm để làm phong phú thêm hệ thống trưng bày hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Trần Phú, tạo sức hấp dẫn, tính biểu cảm cho người xem. Gắn di tích với các điểm đến du lịch trong và ngoài tỉnh, trong các chương trình về nguồn, về với các địa chỉ đỏ; là nơi tổ chức kết nạp đội viên, đoàn viên, đảng viên mới, nơi dâng hương trước lúc lên đường nhập ngũ bảo vệ tổ quốc của thanh niên huyện Đức Thọ và các vùng phụ cận. Đơn vị củng đã thường xuyên kết hợp với các trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa tham quan tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp Tổng Bí thư Trần Phú để khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Gắn kết, gần gũi với các trường học, các địa phương có địa danh mang tên đồng chí Trần Phú như Trường trung học phổ thông và trung học cơ sở chuyên Trần Phú, thành phố Hải Phòng; Trường trung học cơ sở và tiểu học Trần Phú, thành phố Thanh Hóa; Trường trung học Trần Phú, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh); lãnh đạo phường Trần Phú, quận Hoàng Mai (Hà Nội)…

Di tích ngày càng thu hút đông đông đảo khách tham quan thăm viếng và tri ân Tổng Bí thư Trần Phú (Ảnh: Nguyễn Hồng Luyến)

Trong các năm 2015, 2019, Ban đã giúp đỡ, phối kết hợp với hãng Phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và Đài phát thanh truyền hình Hà Tĩnh sản xuất 2 bộ phim tư liệu: Tổng Bí thư Trần PhúHãy giữ vững chí khí chiến đấu. Các bộ phim này đã được phát sóng rộng rãi trên sóng truyền hình Quốc gia và sóng truyền hình ở các địa phương. Trong những năm gần đây, với sự bùng nổ của Công nghệ Thông tin trên nền tảng kỷ thuật số. Bên cạnh việc quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Trần Phú. Đơn vị đã đẩy mạnh việc quảng bá, phát huy trên không gian mạng toàn cầu. Tại 02 địa điểm của di tích đã đặt Bản đồ số di tích Tổng Bí thư Trần Phú và các di tích tiêu biểu trên địa bàn huyện Đức Thọ để du khách có thể truy cập thông qua việc quét mã QR. Xây dựng trang Website Ban quản lý khu di tích Trần Phú.org.vn và cho đến nay đã có  gần 10 vạn lượt người truy cập. Phát huy ưu thế của mạng xã hội  Facebook, đơn vị đã lập trang  Ban quản lý di tích Tổng Bí thư Trần Phú và thường xuyên đăng bài, cập nhật những hoạt động nổi bật của đơn vị, những hình ảnh tư liệu hiện vật về khu di tích.

Những việc làm thiết thực của đơn vị trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị của khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú ngày càng được quan tâm, được lãnh đạo và đông đảo khách tham quan, thăm viếng ghi nhận. Di tích đã trở thành một địa chỉ đỏ, nơi gặp gỡ của những con tim hướng về nguồn cội, về đồng chí Trần Phú và Đảng quang vinh.

Trên đồi Quần Hội, trước bến Tam Soa, đồng chí Trần Phú mãi mãi trường tồn cùng đất nước, quê hương.

 

 [1] Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007, tr. 21, 22, 23.

[2] Lý lịch tự thuật – Bản khai của đồng chí Trần Phú tại Trường Đại học Phương Đông bằng tiếng Việt (dịch sang tiếng Nga). Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh

[3] Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007, tr. 32

[4]Tìm hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam qua các Đại hội và Hội nghị Trung ương 1930 - 2002, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2003, tr. 98.

[5] Bảo tàng cách mạng Việt Nam: Báo cáo về cuộc khảo sát con đường xuất dương của đồng chí Trần Phú hồi tháng 7 năm 1926 – Bản đánh máy ngày 28/3/1964 do Đào Duy Kỳ viết, có sự góp ý của đồng chí Phan Trọng Bình, một trong những người cùng đi với đồng chí Trần Phú. 

[6] Tỉnh ủy Hà Tĩnh – Học Viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Đồng chí Trần Phú với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004 tr. 136.

 

[7] Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng một tấm gương bất diệt, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 12

[8] Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007, tr. 59

[9] Sđd, tr. 65

[10] Tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam

[11] Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007, tr. 122

[12]Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Nhung, tư liệu lưu tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.

 

[13]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002,t.9, tr. 284

[14]Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh: Tạp chí Quốc tế Cộng sản, số 4, năm 1932, tiếng Nga, tr. 67, 68.