Đồng chí Trần Phú
Đồng chí Trần Phú thuộc thế hệ những người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, người con ưu tú của quê hương Đức Thọ, quê hương Hà Tĩnh. Sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ…đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí đó đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại thôn An thổ xã An Dân huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Nguyên quán tại xã Tùng ảnh huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh là cụ Trần Văn Phổ (1865 – 1909), một nhà nho giàu lòng yêu nước thương dân dũng cảm chống lại áp bức cường quyền của bọn đế quốc. Thân mẫu là bà Hoàng Thị Cát (? – 1910), một người phụ nữ nông dân cần cù chất phác quê ở xã Châu Dương huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. Năm 1897, sau khi đỗ Giải nguyên (người đỗ đầu kỳ thi hương) trường Nghệ An. Cụ Phổ được bổ về làm Giáo thụ huyện Đức Thọ (Tương đương với chức danh Trưởng phòng giáo dục của một quận, huyện, thành phố trực thuộc hiện nay). Đầu năm 1901, triều đình Huế điều chuyển cụ vào dạy học ở huyện Tuy An tỉnh Phú Yên và đồng chí Trần Phú được sinh ra tại đây. Năm 1907, triều đình Huế lại bổ nhiệm cụ làm Tri huyện, huyện Đức phổ tỉnh Quảng Ngãi. Vì chống lại lệnh của Triều đình Huế và thực dân Pháp đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân trong phong trào chống sưu cao thuế nặng ở Trung Kỳ (1906 – 1909). Cụ Phổ đã tuẫn tiết tại huyện đường Đức Phổ vào đêm 19/4/1909. Sau khi cụ Phổ mất, gia đình đồng chí Trần Phú lâm vào cảnh khốn cùng, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều đã đuổi cả gia đình ra khỏi huyện đường. Vì không thể trở về Hà Tĩnh, bà Cát đành mang theo 6 người con bồng bế, dắt díu nhau đi về phía Tây thành Quãng Ngãi mở một ngôi hàng nước nhỏ để sống qua ngày. Do cuộc sống quá vất vã và buồn phiền, bà Cát cũng đã qua đời vào một ngày mùa đông cuối tháng 11/1910. Mấy anh chị em bơ vơ lưu lạc mỗi người một phương. Đồng chí Trần Phú và đồng chí Trần Ngọc Danh, hai người con bé nhất được người dì đưa về Quảng Trị cho ăn học và học hết bằng tiểu học ở đấy. Mùa thu năm 1918, đồng chí vào học trường Quốc học Huế. Tại đây đồng chí và các bạn đã tìm đến các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh là những bậc lão thành đầy nhiệt tình yêu nước mà các phong trào do các cụ lãnh đạo đã tạo ra những tiếng vang, làm chấn động nhân tâm cả nước thời bấy giờ. Tháng 9/1922, sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung tại Huế, đồng chí được bổ về làm Giáo học, dạy lớp nhất Trường tiểu học Cao Xuân Dục thành Vinh. Thành Vinh lúc này là lò lửa cách mạng và củng là nơi có phong trào đấu tranh của công nhân rất sớm. Tại đây có dịp gần gũi với người dân lao động, trí thức yêu nước lại được tiếp xúc với các tư tưởng cách mạng tiến bộ thời bấy giờ như tư tưởng Tam dân (Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh) của Tôn Trung Sơn, tiếp xúc với báo “Người cùng khổ” (Leparia) của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí cùng các bạn đã nhận thấy đó chính là nguồn ánh sáng mới. Các phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân đã lôi cuốn đồng chí, phong trào ngày một lên cao đã dẫn đến một sự kiện chính trị quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng ở Vinh. Mùa hè năm 1925, tại núi Con Mèo (Bến Thủy) đồng chí Trần Phú và một số nhà cách mạng ở Trung kỳ đã họp và tuyên bố thành lập hội Phục Việt (Hội là một tổ chức giao thời của một số người yêu nước thuộc hai nhóm: Chính trị phạm cũ và học sinh, sinh viên tiến bộ). Hoạt động của hội Phục Việt là dấy lên tinh thần yêu nước và dạy chữ Quốc ngữ cho công nhân, nhân dân lao động ở Vinh. Vào khoảng tháng 4/1926, đồng chí nhận nhiệm vụ sang Lào vận động cách mạng. Đồng chí đã tới Pạc Hin Bun trong vai thư ký của chủ mỏ đồn điền. Chuyến đi này đã giúp đồng chí có những hiểu biết về tình hình thực tế ở Lào để sau này giúp Đảng đề ra những đường lối thích hợp cho cách mạng toàn Đông Dương.
Tháng 6/1924, lãnh tụ nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế Cộng sản lần thứ V, sau đấy người giữ trọng trách ủy viên Đông phương bộ, phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III), rồi về hoạt động ở Trung Quốc. Tại đây người đã thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Châu và đến tháng 6/1925 xây dựng tổ chức Tâm Tâm Xã (là một tổ chức giao thời muốn thoát khỏi tư tưởng củ nhưng chưa gặp được tư tưởng mới do Lê Hồng Phong và Hồ Tùng Mậu sáng lập) thành Đảng Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu. Được tin ấy, ban lãnh đạo hội Phục Việt sau khi đổi tên thành hội Hưng Nam, Việt Nam cách mạng Đảng liền cử một đoàn đại biểu do đồng chí Trần Phú phụ trách sang Quảng Châu tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để đề nghị việc hợp nhất các tổ chức cách mạng Đảng ở trong và ngoài nước. Ngày 12/7/1926, đoàn xuất dương tập trung tại ga Vinh lên tàu đi Hà Nội sau đó xuống Hải Phòng và đi Quảng Ninh. Đoàn xuất dương vượt qua được biên giới Việt – Trung tại bến đò Nà Sáo Tù vào khoảng 17 giờ chiều ngày 18/7/1926. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã cử hai đồng chí về tận cơ quan liên lạc ở biên giới để đón đoàn. Đầu tháng 8/1926, đoàn đến trụ sở của Đảng Việt Nam thanh niên cách mạng ở Quảng Châu – Trung Quốc. Tại đây đồng chí và các bạn được tham dự lớp huấn luyện chính trị đầu tiên của Đảng. Lúc này đồng chí Trần Phú lấy bí danh là Lý Quý, toàn lớp có khoảng 20 học viên, giáo trình giảng dạy chủ yếu là cuốn “Đường cách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Giảng viên gồm có đồng chí Vương (tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) cùng một số đồng chí người Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô. Lớp học bế mạc vào cuối tháng 10/1926 và đồng chí Trần Phú được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cộng sản đoàn. Thế là từ đây, đồng chí đã được giác ngộ theo chủ nghĩa Cộng Sản để sau này trở thành người học trò xuất sắc, người trợ thủ đắc lực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trở về nước đồng chí được tổ chức phân công về hoạt động ở Trung Kỳ. Đầu năm 1927, tổ chức lại cử đồng chí sang Quảng Châu tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tới Quảng Châu đồng chí được Bác Hồ cử sang học tại trường đại học Phương Đông Mát – xít – cơ - va (Liên Xô). Đồng chí vào học sau anh em một năm, mặc dầu sức khỏe kém nhưng đồng chí vẫn cố gắng đuổi kịp. Trong thời gian này đồng chí lấy bí danh là Lykivây. Ngày 25/6/1927, Bác Hồ đã gửi thư tới trường Đại học Phương Đông giới thiệu đồng chí Trần Phú làm Bí thư chi bộ nhóm học sinh Việt Nam.
Đầu năm 1930, sau khi tốt nghiệp đồng chí Mát – xít – cơ - va qua Đức, Bỉ, Pháp và bí mật về tới Sài Gòn vào ngày 8/2/1930 mang theo kiến thức của một nhà lý luận có tài. Lúc này ở trong nước tòa án Nam triều đã xử tử vắng mặt đồng chí cùng một lần với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí khác trong phiên tòa ngày 11/10/1929 tại nghệ An. ở Sài Gòn ít ngày đồng chí sang Hồng Kông, đến tháng 4 về Hải Phòng rồi lên Hà Nội. Đồng chí đã đề nghị với Đảng cho đi khảo sát tình hình thực tế ở một số địa phương. Đồng chí đã xuống Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và khu mỏ Hòn Gai. Đầu tháng 7/1930, đồng chí về tới Hà Nội và được bầu vào Ban chấp hành trung ương lâm thời, đồng thời được phân công dự thảo “Luận cương chính trị” nổi tiếng của Đảng. Những đường lối cơ bản của Luận cương cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Thực tiễn đấu tranh của cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua ngày càng chứng minh rõ ràng hơn công lao sáng tạo vĩ đại của đồng chí Trần Phú đã cống hiến cho cách mạng Việt Nam. Bản luận cương đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp ở Cửu Long – Hương Cảng, Trung Quốc vào tháng 10/1930. Luận cương là sự bổ sung, phát triển và hoàn thiện “Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo vào tháng 2/1930. Hội nghị đã nhất trí đổi tên Đảng thành Đảng Cộng Sản Đông Dương và đồng chí trần Phú được chính thức bầu làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng.
Sau hội nghị đồng chí rời Hương Cảng về đến Sài Gòn vào cuối tháng 11/1930. Lúc này Sài Gòn đang bị địch khủng bố trắng, nhiều cơ sở của ta bị lộ, nhiều chiến sỹ cộng sản bị địch bắt và hy sinh. Tại đây đồng chí Trần Phú đã góp phần quan trọng trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng những tháng cuối năm 1930 đầu năm 1931. Vào sáng ngày 18/4/1931 do sợ bắt bớ, khủng bố ráo riết của địch, đồng chí đã bị bắt tại nhà số 66 đường Sămpanhơ. Thực dân Pháp đã giam giữ đồng chí ở bót Pô lô rồi bót Ca ti na. Sau những lần hỏi cung không mang lại kết quả chúng đã đưa đồng chí về Khám lớn để chờ xét xử. Sống nơi tù ngục đọa đày, sức khỏe đồng chí ngày càng sa sút, bệnh viêm phổi và bệnh tràng nhạc ngày một thêm trầm trọng. Tới tháng 8 thì sức khỏe đồng chí bị quỵ hẳn, bọn cai ngục đành phải đưa đồng chí vào nhà thương Chợ Quán để điều trị và sáng ngày 6/9/1931 đồng chí đã vĩnh biệt đồng bào, đồng chí thân yêu trên tay những người đồng đội để lại cho toàn Đảng, toàn dân một tấm gương ngời sáng với lời căn dặn cuối cùng: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Trong bức điện gửi trường cấp III Đức Thủy khi trường được mang tên trường cấp III Trần Phú ngày 27/11/1964 chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “ Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng của nhân dân đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng…”
Gần 70 năm xa cách, sau khi tìm được hài cốt đồng chí tại công viên Lê Thị Riêng. Sáng ngày 12/1/1999 tại dinh Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh Đảng và nhà nước ta đã tổ chức trọng thể lể truy điệu và di dời hài cốt đồng chí từ thành phố Hồ Chí Minh về an táng tại quê hương. Phần mộ đồng chí hiện nay nằm trên đồi Quần Hội hướng về ngã ba Tam Soa, nơi có mộ phần của hai cụ thân sinh và người em, đồng chí Trần Ngọc Danh.
Trên đồi Quần Hội, trước bến Tam Soa đồng chí Trần Phú mãi mãi trường tồn cùng đất nước, quê hương!
*Nội dung cơ bản của bản luận cương chính trị:
Về mặt lý luận: Luận cương chính trị đã dựa trên những nguyên lý cơ bản phổ biến của Chủ nghĩa Mác – Lê nin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và về cách mạng giải phóng dân tộc, đường lối của Quốc tế Cộng sản, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, Tuyên ngôn và Chính cương của Đông Dương cộng sản Đảng. Chính cương vắn tắt và sách lược vắn tắt của Đảng cộng sản Việt Nam.
Về mặt thực tiễn: Luận cương đã đi sát phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở việt Nam.
Luận cương chính trị gồm 3 phần:
1. Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương
2. Những đặc điểm về tình hình Đông Dương
3. tính chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương
Luận cương khẳng định rõ 10 nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương là: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến và địa chủ, lập chính phủ công nông; Tịch thu hết thảy ruộng đất của bọn địa chủ ngoại quốc, bỏ các sưu thuế hiện thời, lập ra thuế lũy tiến; Ngày làm công 8 giờ; Sữa đổi sự sinh hoạt cho thợ thuyền và quần chúng lao khổ; Xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập; Thừa nhận dân tộc tự quyết; ủng hộ Liên bang Xô Viết; Liên kết với vô sản giai cấp toàn thế giới với phong trào cách mạng toàn thuộc địa và bán thuộc địa.
Cùng với Luận cương chính trị, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất và thứ 2 đã thông quan nhiều án nghị quyết quan trọng như: Án Nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương; Điều lệ Đảng; Công nhân vận động; Về vấn đề thành lập hội “phản đế đồng minh” của Trung ương toàn thể hội nghị; thành lập Nông hội đỏ và Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh.
Lê Doãn Thắng (Ban quản lý di tích Trần Phú)