thông báo

video

hình ảnh

liên kết website

số lần truy cập

Thứ bảy, 20/ 4/ 2024 “Các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ…đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí đó đã vui vẻ hy sinh hết thảy

Dấu ấn một chuyến đi

19 - 04 - 2019

Bút ký của Nguyễn Viết Hiện

Thăm khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

Sáng ngày 2-9, chuyến xe xuất phát từ TP Hải Dương đúng 6 giờ 5 phút (giờ Hoàng đạo, một người trong đoàn khẳng định thế), đến hơn 10 giờ chúng tôi dừng lại TP Thanh Hoá ăn trưa với các đồng nghiệp Thanh Hoá. Vừa ăn vừa trao đổi kinh nghiệm và cung cấp cho nhau những thông tin về nghề, về tình hình xuất bản báo chí cũng như những thuận lợi và khó khăn của lộ trình đổi mới báo chí. Anh Lê Trung Kiên, phó Tổng Biên tập báo Thanh Hoá cầm tờ báo Hải Dương số đặc biệt khen ngợi nội dung và cách trình bày và tỏ vẻ khâm phục vì với đội ngũ còn mỏng mà Báo Hải Dương đã xuất bản 6 số/ tuần. Những lời động viên , chia sẻ của các bạn Thanh Hoá như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi để tờ báo ngày càng đổi mới và phát triển. Rời xứ Thanh giữa cái nắng mùa thu oi nồng, những cánh đồng vàng xuộm ven đường của các huyện Hà Trung, Hoàng Hoá, Tĩnh Gia đang vào mùa thu hoạch, thỉnh thoảng lại bắt gặp những đôi mắt trong veo của các em gái đang hớn hở đến trường trong mùa khai giảng. Phải đến 5 giờ chiều chúng tôi mới đến được tp Hà Tĩnh và được các bạn Hà Tình bố trí cho đoàn ăn nghỉ và tắm biển Thiên Cầm. Bãi biển Thiên Cầm thuộc thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên cách tp Hà Tĩnh chừng độ 25 km nằm lọt thỏm sau mấy quả núi. Nước xanh trong tưởng nhìn xuống tận đáy nhưng sóng không to . Bây giờ đã chớm thu nên lượng du khách về Thiên Cầm không nhiều , bãi biển vắng lặng, gió biển hát vu vơ gieo vào lòng du khách bao nỗi nhớ miên man. Bạn chọn một chiếc ghế trên bãi biển ngắm đảo Hòn én và Hòn Bớc xa xa trong sáng thu, thấy cảm giác bình yên , sảng khoái lạ thường. Chắc rằng nơi đây khi trước , cha con Hồ Quý Ly bị bắt , trời phật muốn an ủi vị vua có công canh tân đất nước đã sai các thần linh tấu lên muôn khúc nhạc trời bằng những lời của gió, của ngàn thông vi vút nên dân gian mới có tên gọi là Thiên Cầm?

Sáng 3-9, các bạn Hà Tĩnh dẫn đoàn đến thăm khu di tích lịch sử nổi tiếng của Hà Tĩnh là khu mộ Trần Phú , người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng , một người Cộng sản lỗi lạc và là một trong những người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dọc theo quốc lộ 8A chừng độ 20 km là đến xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ là quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú. Hai bên đường là những thửa ruộng lúa chín vàng, một màu vàng ấm no, thỉnh thoảng lại bắt gặp những đàn bò ung dung gặm cỏ ven đường, trên những vạt ruộng vừa thu hoạch những người nông dân đang hối hả làm đất gieo đỗ , lạc. Trong sáng thu , những vệt khói lam toả nhẹ trên bếp nhà ai đó và bản nhạc bất ngờ vang lên từ một quán ven đường trong bài "Khúc hát sông quê" của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo . Ừ , phải rồi , có lẽ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng như bao nhiêu văn nhân tài hoa khác khác đi trên mảnh đất quê hương Hà Tĩnh , mảnh đất của văn thơ , nhạc hoạ và giàu truyền thống cách mạng làm sao lại không có những giai điệu say đắm về cội nguồn? Mặc dù tôi đã được đọc nhiều bài viết giơí thiệu về khu di tích lịch sử này trên các báo nhưng đến đây nhìn hình sông, thế núi mới thấy được lòng thành kính, sự tri ân của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh cũng như toàn dân tộc Việt Nam đối với công lao của Người Cộng sản vĩ đại. Khu mộ Trần Phú toạ lạc trên rú Quần Hội (núi Quần Hội) rộng khoảng 40 m2 bằng đá hoa cương nhìn xuống bến Tam Soa (3 giải lụa mềm) là hợp lưu của 3 con sông : Ngàn Tươi, Ngàn Phố và dòng sông Lam .Sau mộ ông là bức đá hoa cương có khắc câu nói nổi tiếng của nhà cách mạng : "Hãy giữ vững ý chí chiến đấu"để dặn dò bạn bè, đồng chí trứơc lúc hy sinh. Trong tiếng nhạc trầm hùng của bài "Hồn tử sĩ", đoàn chúng tôi kính cẩn thắp hương và dâng lên bó hoa tươi thắm trước mộ Trần Phú và thân phụ người cùng khu mộ của người chiến sĩ lão thành cách mạnh Trần Công Danh (người em út của Tổng Bí thư Trần Phú).

Toàn cảnh khu mộ TBT Trần Phú

Thật may mắn cho đoàn, khi chúng tôi thắp hương xong, đồng chí hướng dẫn viên khu di tích cho biết, đoàn chúng tôi vừa đến viếng mộ trước ngày giỗ Trần Phú đúng một ngày( ngày âm lịch). Tại nhà lưu niệm Trần Phú, cả đoàn một lần nữa được hướng dẫn viên khu di tích giới thiệu cặn kẽ quá trình tìm mộ và quy tập cả mộ thân phụ cùng người em của Trần Phú về quê hương Tùng Ảnh và đồng chí trưởng đoàn thay mặt đoàn đã ghi cảm tưởng , những lời thầm hứa trước anh linh của Người Cộng sản .

Xe chạy từ tp Hà Tĩnh theo quốc lộ 15A chừng độ 20 km thỡ đến ngã ba Đồng Lộc. Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc (Can Lộc) là điểm nhấn trong chuyến đi này nên ai cũng háo hức, bởi địa danh này đã quá nổi tiếng về sự quả cảm, lòng yêu nước của bao thế hệ thanh niên Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ mà cụm tượng đài khắc hoạ 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) toạ lạc sừng sững giữa trời xanh Can Lộc là một hình ảnh sinh động nhất.

Cả đoàn lặng người trước Đài Liệt sĩ nơi có 3 tấm bia lớn ghi danh sách các liệt sĩ TNXP trên tuyến đường Trường Sơn mà Tổng Hội TNXP đã tập hợp trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Trước khi viếng mộ 10 cô gái TNXP huyền thoại năm nào, người hướng dẫn viên có tên là Phan Công Lệ mời đoàn thăm nhà truyền thống và giới thiệu những chiến công của lực lượng TNXP trên tuyến đường Trường Sơn nói chung và ngã ba Đồng Lộc nói riêng. Có ai ngờ trên mảnh đất chưa đầy 4 cây số vuông mà trong thời gian từ năm 1964 đến năm 1972, giặc Mỹ đã dội xuống nơi đây hàng ngàn tấn bom đạn các loại, cao điểm nhất có ngày Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu hơn 800 quả bom. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình thắp những nén tâm nhang cắm trên mộ các chị, những nụ cười của chị Cúc, chị Tần, chị Nhỏ, chị Xuân, chị Hà...trên tấm bia như khẳng định tuổi thanh xuân của các chị sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian. Trong nắng thu oi nồng nhưng rừng bạch đàn và bóng mát của hai cây bồ kết lặng lẽ tỏa hương như an ủi linh hồn các chị. Trong bụi sim mua gần nơi các chị nằm có tiếng chim hót ríu ran như muốn nói sự hy sinh trinh liệt của các chị là ươm mầm cho sự hồi sinh của mùa xuân đất nước. Xung quanh hố bom nơi các chị hy sinh có rất nhiều bông cúc trắng với những nén hương nghi ngút cháy của nhiều du khách đến từ mọi miền đất nước, họ đến đây nghiêng mình trước linh hồn các chị để tỏ lòng tri ân đối với những người đã bỏ mình vì nước. Rời Ngã ba Đồng Lộc trong buổi chiều tà, hình ảnh cụm tượng đài 10 cô gái TNXP bằng đá hoa cương và Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc như đọng mãi trong tôi...

Bãi biển Thiên Cầm


Đến Hà Tĩnh là phải ghé thăm bằng được hồ Kẻ Gỗ, đó là câu mời của chị Chánh văn phòng báo Hà Tĩnh. Ngay từ khi còn là sinh viên tôi đã mê mẩm bởi bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mà nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền trình bày. Hồ kẻ Gỗ thuộc xã Cẩm Mỹ nằm dọc theo hai bờ sông Rào Cái (Ngàn Mọ), nơi hội tụ hàng trăm con sông , suối từ dãy Trường Sơn đổ về . Hồ kẻ Gỗ gồm 1 đập chính và 10 đập phụ thuộc địa bàn ba huyện Cẩm Xuyên ,Thạch Hà và Hương Sơn. Đây là đại công trình thủy nông lớn nhất nước được khởi công xây dựng từ năm 1976 đén năm 1979 hoàn thành và đưa vào sử dụng . Đại công tình thủy nông này có sức chứa gần 350 triệu m3 nước có nhiệm vụ tưới tiêu cho 17 nghìn ha lúa của hai huyện Thạch Hà , Cẩm Xuyên và thị xã Hà Tĩnh .

Ngồi trên ca-nô chạy dọc lòng hồ Kẻ Gỗ ngắm nhìn hai bên bờ hồ ta có cảm giác như được đi trên dòng sông A-ma-dôn của Nam Mỹ, bởi những vạt rừng xanh ngút mắt trên những quả đồi, quả núi bao bọc xung quanh. Anh bạn lái ca-nô vốn là cán bộ của đập tràn cho biết , hồ Kẻ Gỗ dài khoảng 30km, đoạn rộng nhất tới gần 3km, chỗ sâu nhất có tới 20m. Cá ở đây nhiều vô kể, những người đánh cá trộm thỉnh thoảng lại bắt được những chú cá trắm, cá mè nặng 30-40 kg là chuyện bình thường. Để bảo vệ và điều hành hoạt động của Hồ Kẻ Gỗ người ta đã đặt ở đây một đội bảo vệ các đập với hơn 60 người, có trang bị ca-nô , xuồng cao tốc tuần tiễu và họ cũng chính là lực lượng bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, ngăn chặn tình trạng người dân đánh bắt cá trộm, khai thác rừng trái phép...

Hồ Kẻ Gỗ

Đến nay khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã phát hiện được 364 loài động vật có xương sống thuộc 99 bộ, Trong số 47 loài thú sinh sống ở đây có 18 loài đã được ghi vào sách đỏ. Nhiều loài thú quý hiếm tưởng chừng tuyệt chủng ở trên thế giới vẫn có ở rừng Kẻ Gỗ như các loài gà lôi lam đuôi trắng, bò tót, trĩ đuôi dài...Còn thảm thực vật thì vô cùng phong phú với hơn 40 loài cây thân gỗ, cnơi đây cũng chính là xứ sở của các loài hoa lan đủ màu sắc, có giá trị kinh tế cao. để có được Hồ kẻ Gỗ như hôm nay, những năm sau khi đất nước thống nhất , người ta phải huy động hàng chục vạn thanh niên tham gia ngăn sông, đắp đập và hàng nghìn gia đình của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê đã di dời để nhường chỗ cho đại công trường vì thế nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã viết:

Làng ta di động thêm có đất mình cày

Cho điện giăng dây, cho máy về thôn xóm

Trong khi du ngoạn lòng hồ, ca-nô dừng lại trước một đảo nhỏ mà anh cán bộ bảo vệ đập tràn cho biết đảo có tên là đảo Lê Duẩn. Cả đoàn men theo lối mòn dẫn lên đỉnh , những dây leo um tùm, lá thông rụng phủ dầy hàng tấc , cành cây mục ngổn ngang và có rất nhiều loài cây lạ lần đầu tôi mới thấy. Trên đỉnh quả đồi, xung quanh người ta đặt khá nhiều ghế đá, có lẽ cho du khách nghỉ chân chúng tôi dừng lại trước một khung ảnh lớn có lưới thép bảo vệ. Trong ảnh là đoàn cán bộ cao cấp của Đảng do Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn dẫn đầu đi thăm đảo . Hỏi anh cán bộ thì được biết , nơi đây ngày 2-5-1979, đồng chí Lê Duẩn thăm khu vực điều tiết cống xả của đập chính . Để ghi nhứ sự kiện này, người ta đặt tên là đảo Lê Duẩn. Rời Hồ Kẻ Gỗ, câu hát ngân nga:

Nghệ Tĩnh mình ơi sông Lam gọi núi Hồng

Mà đời không ngại đào núi ngăn sông

Đắp hồ xây đập ta nuôi dòng nước ngọt....

cứ vang mãi trong tôi. Tôi ao ước rằng một ngày nào đó, trên lòng hồ của đại công trình thuỷ nông này sẽ rộn ràng ca-nô, xuồng máy của khách du lịch để đem lại nguồn thu đáng kể của ngành công nghiệp không khói của Hà Tĩnh cũng như những cánh đồng vàng ngút ngàn mà hồ Kẻ Gỗ đã đem lại cho nhưng người nông dân nơi đây.

Làng Tiên Điền thuộc xã Tiên Điền thuộc huyện Nghi Xuân , Hà Tĩnh chỉ cách tp Vinh( Nghệ An) khoảng 10 km vê phía nam . Đó là một làng thuần Việt như bao làng quê khác theo cách nói của một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Nhưng chính nơi đây hơn hai trăm năm trước, miền quê bình dị nằm cạnh dòng sông Lam này đã sản sinh cho dân tộc một Đại thi hào và thế giới đã xếp ông vào bậc Danh nhân văn hóa .

Có lẽ trên đất nước ta từ bậc cao tuổi đến các em thiếu nhi không ai là không biết tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du nhưng mấy ai đến được quê hương ông, viếng mộ của con người vĩ đại đó? Từ cầu Bến Thủy nơi phân ranh giới Nghệ An và Hà Tĩnh men theo hướng bãi biển Xuân Thành chừng độ 5 km là thấy khu nhà lưu niệm danh nhân .

Tượng Đại thi hào Nguyễn Du


Tuy nhiên ở cả khu lưu niệm và khu mộ Đại thi hào họ Nguyễn khách tham quan rất ít, thỉnh thoảng mới có vài cháu học sinh hoặc những cô cậu sinh viên đến khu di tích mặc dù khu di tích khá hoành tráng. Nghe nói trước đây mộ Nguyễn Du rất sơ sài, có một lần nhà thơ Vương Trọng ghé thăm , không giấu được cảm xúc trước bậc tiên hiền , ông viêt :

Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên

Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây

Bài thơ đã gây xôn xao dư luận, sau đó tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) đã cho xây lại mộ cụ, xây cả luôn khu tưởng niệm Nguyễn Du trên khu đất của thân phụ người là quan tể tướng Nguyễn Nghiễm, nhưng do quy hoạch bất cập, mộ Nguyễn Du lại nằm ở cánh đồng cách khu tưởng niệm hơn 1km.Tổng thể khu di tích rộng chừng 2 ha, có đặt tượng ông với khuôn mặt ưu phiền trước nỗi thóng khổ của Thập loại chúng sinh; bảng bia đá ghi niên hiệu năm ông đỗ đạt , nhà tưởng niệm Nguyễn Du do Hội Khai Trí Tiến Đức xây dựng từ năm 1942 và 2 dãy nhà Tư văn dành cho các văn nhân, học trò họ Nguyễn đàm đạo thơ văn, đọc sách thánh hiền. Dưới cái nắng miền Trung oi ả, cả đoàn chúng tôi vẫn hăng hái đến khu cánh đồng nơi đặt mộ Nguyễn Du. Cả đoàn kính cẩn thắp hương mộ cụ và hỏi chuyện một cụ già là hậu duệ đời thứ 7 của họ Nguyễn Tiên Điền đang dọn dẹp cỏ rác trong khu mộ. Cụ già cho biết hàng ngày rất ít du khách đến thăm, chỉ những dịp lễ Tết mới đông người viếng mộ cụ . Rời mộ Nguyễn Du trong không gian vắng lặng, bất giác tôi nhớ lại bài thơ cụ viết nhân viếng đền thờ Tiểu Thanh tài sắc nhưng mệnh yểu ở Hàng Châu (Chiết Giang-Trung Quốc) có câu:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

(ba trăm năm nữa ta đâu biết

Thiên hạ ai người khóc Tố Như)

Chỉ hơn 1 ngày ở Hà Tĩnh mà trong tôi lại rộn ràng bao cảm xúc, được đi thăm những địa danh nổi tiếng, di tích lịch sử , niềm tự hào của dân tộc, điều may mắn ấy không phải bất kỳ ai cũng có được trong cuộc đời.