Danh nhân Trần Dực
Đức Thọ là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, “Đất văn vật, chốn thi thư”, mảnh đất thiêng liêng này đã kết tụ bao trầm tích lịch sử văn hoá hào hùng của các thế hệ tiên liệt. Là quê hương của biết bao học giả, bao bậc hiền tài có công với dân với nước mà danh nhân: Đông các Hiệu thư, tả Thị lang, Phấn nghĩa Hầu Trần Dực là một ví dụ điển hình.
Một nửa thiên niên kỷ đã trôi qua kể từ ngày ông tạ thế, thời gian đã có độ lùi đủ dài, để hôm nay chúng ta có thể bình tĩnh khách quan nhìn nhận lại những gì mà ông đã làm được, đã đóng góp cho đời. Để xứng đáng được hậu thế tôn vinh, tìm đến, được thờ phụng và tri ân ngày một nhiều hơn.
Trần Dực sinh năm ất sửu (1465), mất năm Nhâm tý (1512), quê ở xã Ngãi Lăng huyện La Sơn phủ Đức Thọ. Mặc dầu xuất thân trong gia cảnh nghèo khó nhưng ông vẫn kiên trì đèn sách và đỗ đầu kỳ thi hội (Hội nguyên) năm Nhâm Tuất đời Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502). Tiếp đó lại đỗ đầu khoa Đông Các làm quan đến chức Tả thị lang bộ Hộ. Theo gia phả của dòng họ: “Trần Dực khi còn nhỏ, nhà nghèo phải đi chăn trâu, ông cho trâu ăn cỏ bên cầu rồi vào mượn sách vở ở một trường học gần đó mang ra cầu ngồi, vừa chăn trâu vừa đọc sách. Sau hai năm liên tục học theo cách ấy mà ai cũng phải thừa nhận ông học rất giỏi, đi thi đỗ Hương cống. Lúc ra thành Thăng Long thi Hội vì không có tiền ăn, ông phải dấu tên họ làm người đầy tớ gánh thuê, giặt quần áo, thổi cơm nước cho một ông Cống lạ mặt giàu có. Đến trường thi ông còn phải sắp xếp mọi thứ đưa ông Cống nọ vào tận chổ ngồi, mọi việc xong xuôi ông mới lo đến phần việc của mình. Vất vả không nói hết nhưng rồi mọi việc đâu cũng vào đấy. Thi xong, yết bảng truyền loa ông đỗ đầu kỳ thi Hội. Người thuê ông làm đầy tớ vẫn không biết. Khi ông tìm đến gặp mặt, người đấy giật mình kinh ngạc, lạy tạ không ngớt. Khi ra làm quan ông cho tu sửa cái cầu mà ông thường ngồi học ngày trước. Từ đó dân làng gọi tên cầu ấy là cầu Thị Lang. Ông dựng bia bên cầu ghi sự việc, cầu đến nay vẫn còn”.
Sau khi hiển đạt, mặc dầu con đường hoạn lộ của ông chỉ kéo dài 10 năm (1502 – 1512), làm quan trải bốn đời vua: Lê Hiến Tôn, Lê Túc Tôn, Lê Uy Mục và Lê Tương Dực nhưng ông đã kịp ghi tên mình vào trang sử vàng của dân tộc. Văn bia Văn miếu Quốc tử giám nơi vinh danh những tinh hoa trí tuệ Việt tên ông được mãi mãi lưu danh hậu thế cùng với nhiều danh nhân văn hoá khác của dân tộc. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sỹ Liên, một bộ sử lớn chép từ thời Hồng Bàng đến năm ất mão (1675) đời vua Gia Tôn nhà Lê đã nhiều lần nhắc đến tên ông trong vai trò vừa là văn thần, vừa là võ tướng, trong các sự kiện chính trị xã hội lớn của đất nước. Về cái chết của ông, trang 536 sách này chép: “…Bọn Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt làm loạn ở địa phương Nghệ An. Vua sai bọn Khang quận công Trần Nghi và Đông các hiệu thư Trần Dực đi đánh. Vào đến địa phương Nghệ An, bọn Nghi đằng trước đằng sau đều bị giặc đánh, quan quân vượt ra biển bị sóng gió đánh vỡ thuyền, toàn quân bị chết đuối, Nghi và Dực củng chết chìm ở biển…”. Nếu gạt sang một bên những yếu tố tiêu cực trong việc đàn áp các phong trào khởi nghĩa của nông dân dưới chế độ phong kiến (mà điều này xẩy ra một cách thường xuyên liên tục) thì nhìn nhận một cách tổng thể, vì sự ổn định chung để phát triển của quốc gia dân tộc, sự hy sinh của ông là điều cần thiết. Thương tiếc ông nhà vua đã truy phong ông làm tả Thị lang bộ Hộ (người đứng sau thượng thư một bộ, tương đương với chức danh Thứ trưởng thường trực hiện nay) và ban tước Hầu (Theo thể chế nhà Chu quy định dưới Thiên tử có 5 tước theo thứ tự là: Vương, công, hầu, bá, tử, nam. Sau này được các triều đại Việt Nam áp dụng. Phàm là quý tộc hầu như chẳng ai không được phong tước nhưng quan lại mà được dự vào hàng tước vị dù chỉ bậc thấp như tử hay nam đều rất khó). Điều này chứng tỏ đức độ và tài năng của ông là rất lớn.
Sau khi ông mất, để tưởng nhớ và tri ân những công lao cống hiến của ông đối với quê hương đất nước nhân dân các làng Phúc Thái, làng Nghĩa Yên và các thôn Đông Yên, Vượng Hồ, Trung Thịnh xã Nghĩa Yên và xã Yên Trung đã suy tôn ông lên làm Thần và xây dựng đền thờ, bốn mùa hương khói thờ phụng (Theo tín ngưỡng dân gian, Thần là những người có nhiều tài năng, quyền cao nghiệp lớn có ân đức với cộng đồng hoặc có cống hiến với dân một làng, một vùng, có lòng giúp người khi hoạn nạn, giúp nước khi loạn lạc sau khi mất thì thường được nhân dân tôn là Thần và thờ tự ở đình, đền, miếu.v.v.). Nổi tiếng là vị Thần linh thiêng phù trợ cho dân chúng. Ông được các vua thời Nguyễn: Thành Thái, năm thứ 6 ban sắc phong: “Đoan túc dực bảo trung hưng chi thần”. Vua Duy Tân, vào các năm Duy Tân thứ 3, thứ 5 tấn phong làm Thành Hoàng của làng Nghĩa Yên. Trở thành người bảo trợ cho dân chúng. Năm Khải Định thứ 9 (1924), nhân dịp tứ tuần đại khánh (mừng thọ 40 tuổi), nhà vua lại ban sắc gia tặng ông lên 1 bậc từ hạ đẳng Thần lên trung đẳng Thần là “Đoan túc tôn Thần” (vị Thần linh thiêng có công phù trợ cho sự nghiệp trung hưng khôi phục đất nước) và “Quang ý trung đẳng Thần” (là vị Thần linh thiêng ngời sáng về đức độ và tài năng).
Hiện nay tại thôn Đại Nghĩa xã Đức Yên và xóm 14 thị Trấn Đức thọ có hai ngôi đền thờ ông đó là Đền Khổng Yên và đền Hồ Nam. Đền Hồ Nam và nhà thờ Trần Dực đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Còn ngôi đền Khổng Yên đang trong quá trình xây dựng hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận di tích lịch sử văn hoá. Đặc biệt dòng tộc họ Trần đã phục dựng lại nguyên mẫu văn bia số 10 kỳ thi năm Nhâm tuất tại Văn miếu Quốc tử giám đặt trong khuôn viên của nhà thờ họ. Đây là những di tích lịch sử văn hoá cổ. Nơi tưởng niệm và tri ân danh nhân Trần Dực. Là điểm văn hoá tâm linh cộng đồng của đông đảo quần chúng nhân dân địa phương, nơi gặp gỡ của những con tim hướng về nguồn cội, về với những di sản văn hoá quý báu mà các thế hệ đi trước đã để lại cho chúng ta ngày hôm nay.
(Bài viết nhân kỷ niệm 500 năm ngày mất của ông: 1512 – 2012)
Lê Doãn Thắng - Ban quản lý di tích Trần Phú